Những điểm nghẽn trong phát triển sản xuất phim đề tài lịch sử và chuyển thể văn học

Minh Tâm (Ảnh: BTC cung cấp)-Chủ nhật, ngày 10/11/2024 05:49 GMT+7

VTV.vn - Những vấn đề, điểm nóng xung quanh việc sản xuất phim đề tài lịch sử, chuyển thể văn học được đặt lên bàn thảo luận cùng các chuyên gia, nhà làm phim trong và ngoài nước.

Ngày 9/11, trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF), Hội thảo "Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm" đã diễn ra. Đây là cơ hội để trao đổi về những thách thức và triển vọng trong việc sản xuất các bộ phim lịch sử và phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, đặc biệt là trong bối cảnh công nghiệp điện ảnh ngày càng phát triển và mở rộng tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã nhấn mạnh những điểm mới quan trọng trong Luật Điện ảnh 2022. Theo đó, luật mới đã tạo ra nhiều đột phá với việc cho phép mở rộng phạm vi đề tài và thể loại phim, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc đặt hàng sản xuất phim từ ngân sách nhà nước mà không cần qua đấu thầu. 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng chia sẻ rằng: "Điện ảnh Việt Nam còn thiếu tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử cũng là lý do làm cho nhiều người Việt hôm nay, nhất là giới trẻ, tìm đến phim về đề tài lịch sử (bao gồm phim dã sử, cổ trang) của nước ngoài hơn là phim về đề tài lịch sử của Việt Nam. Bởi thực tế, chính những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã thu hút, kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của những quốc gia này."

Những điểm nghẽn trong phát triển sản xuất phim đề tài lịch sử và chuyển thể văn học - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - ông Tạ Quang Đông phát biểu khai mạc hội thảo.

Hội thảo được chia làm hai phiên với sự tham gia của các chuyên gia, nhà văn, nhà báo nhà sản xuất và các nhà làm phim nổi tiếng trong và ngoài nước. Hai chủ đề chính là "Làm phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm: thách thức và cơ hội""Kinh nghiệm quốc tế cùng các giải pháp chính sách để phát triển dòng phim này" đã tạo ra không khí trao đổi sôi nổi, thu hút sự quan tâm và chia sẻ ý kiến từ các đại biểu.

Những điểm nghẽn trong phát triển sản xuất phim đề tài lịch sử và chuyển thể văn học - Ảnh 2.

Các đại biểu tham gia chủ đề hội thảo số 1 "Làm phim đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm, những thách thức và cơ hội".

Những điểm nghẽn trong phát triển sản xuất phim đề tài lịch sử và chuyển thể văn học - Ảnh 3.

Các đại biểu tham gia chủ đề hội thảo số 2 "Kinh nghiệm của điện ảnh các nước và các giải pháp về chính sách để phát triển dòng phim có đề tài này".

Khởi động cho hội thảo phần chia sẻ kinh nghiệm từ nhà sản xuất phim điện ảnh đến từ Trung Quốc. Ông nhận định rằng sự thành công của Trung Quốc trong sản xuất phim lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học là nhờ có sự hậu thuẫn rất lớn từ Chính phủ, các chuyên gia lịch sử và nhà sản xuất. Nguồn tài chính cho quá trình sản xuất, từ khâu viết kịch bản, kiểm duyệt đến quay phim và ra rạp đều được hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp địa phương và cơ quan chức năng.

Những điểm nghẽn trong phát triển sản xuất phim đề tài lịch sử và chuyển thể văn học - Ảnh 4.

Nhà làm phim đến từ Trung Quốc chia sẻ về những thành tựu của điện ảnh nước bạn khi sản xuất các thể loại phim lịch sử.

Trong khi đó tại Việt Nam, đề tài điện ảnh lịch sử và chuyển thể từ văn học đang gặp không ít thách thức. Một trong những khó khăn lớn là sự cân bằng khi đảm bảo tính chính xác về lịch sử, và những sáng tạo trong các tác phẩm thuộc thể loại này.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết, hầu hết các tác giả đều mong muốn thấy tác phẩm của mình xuất hiện trên màn ảnh, nhưng ông nhấn mạnh rằng cần có sự thấu hiểu sâu sắc giữa tác giả và đạo diễn: "Nếu nhà văn yêu cầu nhà làm phim phải làm y như những gì đã viết thì sẽ dẫn đến thất bại. Cả hai cần thấu hiểu lẫn nhau, và trong quá trình chuyển thể, điện ảnh cần có sự sáng tạo." 

Đạo diễn trẻ Võ Thanh Hòa, người đã gặt hái nhiều thành công với các series phim cổ trang kinh dị cũng đồng quan điểm rằng nếu không sáng tạo và mang hơi thở của thời đại, tác phẩm chuyển thể sẽ thiếu đi sức hấp dẫn đối với khán giả.

Mặt khác, ông Nguyễn Trinh Hoan và Charlie Nguyễn - nhà sản xuất của các bộ phim chiếu rạp - đình đám cho rằng, khó khăn lớn nhất của phim lịch sử và phim chuyển thể tại Việt Nam chính là nguồn lực tài chính và sự hỗ trợ từ chính quyền. 

Những điểm nghẽn trong phát triển sản xuất phim đề tài lịch sử và chuyển thể văn học - Ảnh 5.

Nguồn lực tài chính vẫn là bài toán muôn thuở đối với các nhà làm phim khi tiếp cận với thể loại phim lịch sử, phim chuyển thể.

Các nhà sản xuất thường gặp khó khăn trong việc thuyết phục nhà đầu tư bởi sản xuất phim lịch sử đòi hỏi chi phí lớn cho bối cảnh, phục trang và các yêu cầu đặc thù khác. Ông Nguyễn Trinh Hoan cũng đặc biệt nhấn mạnh việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) với hoạt động văn hóa, thể thao từ mức 5% lên 10% sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ khi các nhà làm phim mong muốn làm các bộ phim lịch sử, phim chuyển thể.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cũng cho rằng miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũng là việc nên làm để người dân tiếp cận sản phẩm văn hóa dễ dàng hơn, khuyến khích sáng tạo nghệ thuật và bảo tồn các giá trị truyền thống. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa phát triển, gia tăng giá trị kinh tế của ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo.

Những điểm nghẽn trong phát triển sản xuất phim đề tài lịch sử và chuyển thể văn học - Ảnh 6.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn mong muốn đề xuất Chính phủ cân nhắc trước khi thông qua việc tăng thuế với các hoạt động văn hóa nói chung và làm phim điện ảnh đề tài lịch sử, chuyển thể văn học nói riêng.

Hội thảo đã mang đến nhiều ý kiến quý báu từ các chuyên gia trong và ngoài nước, mở ra hy vọng thúc đẩy công nghiệp điện ảnh Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực phim lịch sử và chuyển thể văn học.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước