Nhiếp ảnh gia Phạm Công Thắng xây dựng bảo tàng tại gia - nơi lưu giữ ký ức nhiếp ảnh

P.V-Thứ ba, ngày 13/07/2021 10:40 GMT+7

VTV.vn - Từ cuối tháng 5/2021, khi Hà Nội đang trong đợt thứ 4 của dịch COVID-19, nhà báo-nhà văn-nhiếp ảnh gia Phạm Công Thắng lại càng bận rộn hơn.

Ngôi nhà ở 225 A, Đặng Tiến Đông, Phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội được nhiếp ảnh gia Phạm Công Thắng sửa sang, làm mới. Anh đang từng bước xây dựng một bảo tàng lưu giữ Ký ức nhiếp ảnh.

Với những ai yêu nghệ thuật nhiếp ảnh cái tên Phạm Công Thắng không còn xa lạ, bởi anh là Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Quốc tế (AFAP), Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Hội Nhiếp ảnh Hà Nội. Anh đã đoạt nhiều giải thưởng về ảnh trong nước và quốc tế. 

Phạm Công Thắng đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh từ khi còn rất trẻ và anh cũng gắn bó với nghề báo được hơn 30 năm. Nhiếp ảnh và nghề báo luôn song hành trong công việc trong cuộc sống của Phạm Công Thắng. Nhiếp ảnh cho anh tiếp cận sự "lãng du" vào một thế giới vừa quen vừa lạ. Còn nghề báo cho anh cái nhìn sâu sắc về những vấn đề, góc sâu của cuộc sống. Chính vì thế, khi nghỉ hưu, Phạm Công Thắng luôn đau đáu suy nghi phải làm gì để lưu giữ được ký ức của nghề báo và nghề ảnh. 

Nhiếp ảnh gia Phạm Công Thắng nói: "Sở hữu một chiếc máy ảnh, chụp ảnh lưu niệm bằng điện thoại, việc đó ngày nay đã trở thành một chuyện quen thuộc đến mức ai cũng làm được. Có điều không phải ai cũng biết nhiều về lịch sử nhiếp ảnh, sự tiến bộ của nhiếp ảnh, cũng như những ký ức gắn với những bức ảnh, những thiết bị chụp ảnh trong việc lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử, những ký ức, những sự kiện vĩnh viễn đi vào ký ức dân tộc". 

Phạm Công Thắng khởi đầu việc xây dựng bảo tàng cá nhân của mình bằng việc thổ lộ những nghĩ suy của anh trên trang cá nhân của mình và điều anh không ngờ được các nghệ sỹ, nhiếp ảnh gia, nhà báo và rất nhiều người mà anh không hề quen biết ủng hộ nhiều đến thế. Gần 2 tháng nay, ngày nào anh cũng bận rộn nhận các hiện vật mà mọi người trân quý đến tặng. Có ngày anh phải tiếp rất nhiều đoàn, nhiều người đến trao tặng kỷ vật. Có người ở xa không đến trực tiếp còn gửi qua đường bưu điện.

Nhiếp ảnh gia Phạm Công Thắng xây dựng bảo tàng tại gia - nơi lưu giữ ký ức nhiếp ảnh - Ảnh 2.

Những hiện vật được mọi người gửi đến anh rất đa dạng về nghề ảnh, gắn với những ký ức lịch sử, ký ức của một thời để nhớ. Họ đã tin tưởng gửi Phạm Công Thắng, trao niềm tin để những hiện vật này lan tỏa trong cộng đồng. Đó là chiếc máy ảnh Pentax của nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng được ông coi như vật báu mua cách đây 45 năm chuyên chụp cho các chinh trị gia lớn như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các văn nghệ sỹ tên tuổi như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi; Đó là chiếc máy ảnh D200 của Anh hùng lao lao động Trần Lam - nguyên Phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang. Chiếc máy ảnh D200 này đã làm nên tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng "Mặt trời trong lăng sáng tỏa" có chữ ký của Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết được Tập đoàn Tân Tạo mua năm 2008 với giá 1 triệu đô la. Toàn bộ số tiền này được tặng cho Quỹ bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang để thực hiện 500 ca phẫu thuật trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh. Đó là chiếc máy ảnh cổ Zeiss Ikon có tuổi đời trên 80 năm của Doanh nhân Bùi Việt Hưng, chiếc máy chiếu phim dương bản sản xuất năm 1930 mà tiến sỹ, NAG Nguyễn Ngọc Bình trao tặng. 

Phạm Công Thắng cho biết thêm thông qua mạng xã hội nhiều người không quen biết anh nhưng vẫn liên hệ để tặng những kỷ vật mà đối với họ là những ký ức không bao giờ quên. Đấy là trường hợp nhà giáo, nhà báo Đỗ Thùy ở Kiến Xương, Thái Bình gửi cho bảo tàng bộ máy ảnh, di vật quý giá của chồng chị đã mất. 

Đến hôm nay, sau 2 tháng triển khai, Phạm Công Thắng đã nhận được hàng trăm hiện vật ngành ảnh, là những cuộn phim đen trắng, chiếc quy, chiếc khay tráng phim ,máy phóng ảnh đen trắng, chiếc túi đồ nghề ảnh hay những chiếc máy ảnh có tuổi đời gần 100 năm tuổi của hàng chục người hiến, tặng. Mỗi kỷ vật ở đây đều là những câu chuyện, những ký ức về con người, về gia đình, về dòng họ, dấu ấn nghề nghiệp, một giai đoạn lịch sử mà không ai có thể hiểu hết được.

Phạm Công Thắng nói với hầu như ngày nào anh cũng dậy từ 4 giờ sang để lo toan sắp xếp phòng trưng bày sao cho đẹp và có chiều sâu, làm sao không phụ lòng tốt mà bạn bè gần xa đã gửi gắm. Bởi vậy, anh chăm chút, viết lời, sắp đặt rất kỹ cho từng hiện vật . Anh đau đáu hiện vật nhiều như thế này phải cải tạo lại nhà như thế nào để sắp xếp cho tương xứng … 

Ngày nay, với sự trợ giúp của công nghệ, nhiếp ảnh đang dần len lỏi vào mọi mặt trong cuộc sống hàng ngày. Bất kì ai trong chúng ta cũng đều sở hữu ít nhất một thiết bị cho phép ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhất. Máy ảnh còn được tích hợp vào các dòng điện thoại di động, từ đắt tiền tới rẻ tiền, ai cũng sử dụng được. Nhưng ít ai biết rằng Việt Nam là một trong những nước có nền nhiếp ảnh rất sớm, chỉ ra đời sau nhiếp ảnh thế giới 30 năm . Và lịch sử về nhiếp ảnh của Việt Nam cũng rất hào hùng gắn với dòng chảy lịch sử của dân tộc. Trong khi chưa làm được điều gì thật to tát , Phạm Công Thắng muốn từ tấm lòng của mình và sự yêu quý của những người làm nghề và sự ủng hộ của những người bạn trên mạng xã hội để sớm hình thành một bảo tàng nơi lưu giữ ký ức nghề nhiếp ảnh ngay tại chính căn nhà của mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước