Đây là lần đầu tiên SMĐH có chức danh giám đốc âm nhạc. Anh có thể nói kĩ hơn về “nhiệm vụ” này được không
- Tôi cần kết nối, định hướng các bộ phận sản xuất mỗi tiết mục thi của thí sinh làm sao để đạt hiệu quả âm nhạc cao nhất, việc này luôn luôn đầy khó khăn rồi. Căn bản thì tôi cần đứng về phía quyền lợi của các ca sĩ thí sinh để đặt ra những yêu cầu công việc với các bộ phận sản xuất như dàn nhạc, các nhạc sĩ cộng tác bài vở từ xa, bộ phận kỹ thuật âm thanh, cũng như làm việc trực tiếp với các thí sinh trong khâu chọn bài hát, cùng với các chuyên gia thanh nhạc giúp định hướng phong cách thí sinh. Chúng tôi có gần nửa tuần để dàn dựng tiết mục cho 12 phần thi, rất nhiều loại việc, nửa tuần để trau chuốt và trình diễn, mỗi tuần trung bình làm việc cật lực 5 ngày.
Hiện tại 12 thí sinh đã gửi bài hát cho các đêm thi đến anh. Xét tổng thể, anh thấy việc lựa chọn ca khúc của họ như thế nào? Anh có định hướng gì cho các thí sinh hay không?
- Về tổng thể, 12 thí sinh năm nay đều có gu nhạc dễ nhận ra, giới hạn và tiềm năng của họ cũng dễ thấy. Điều đáng mừng là khác với các thế hệ SMĐH trước đây, các ca sĩ trẻ sớm biết họ là ai, muốn gì, chỉ có rất ít người trong số họ còn ảo tưởng hoặc mơ hồ về công việc ca hát, vì thế đa số họ chọn ca khúc hầu hết phù hợp với họ, dường như họ thuộc về thời đại và tình trạng xã hội đang có của họ, điều đó với tôi là quá dễ chịu. Công việc của tôi chỉ chọn bài hát nào tốt nhất cho họ trong mỗi tuần và từ chối ca khúc nào bất lợi cho họ, chỉ một số trường hợp thì tôi hay các chuyên gia thanh nhạc của từng tuần sẽ thuyết phục họ chọn ca khúc này ca khúc kia.
Về việc định hướng, đây là việc của cả 1 tập thể, gồm tôi với các chuyên gia và đặc biệt là của hội đồng nghệ thuật. Chỉ nói phần tôi, lấy một ví dụ là với thí sinh Thanh Tâm, cậu ấy hoạt động âm nhạc underground tại TPHCM, dường như đang có đầy nghệ sĩ tính, xa với đám đông, thì hướng đi nhìn thấy rõ rồi, đấy là đi theo hướng mà cậu ấy muốn và trả giá cái cậu ấy biết và chấp nhận trả. Tôi nói rất thật là cậu ấy không cần ai chỉ lối, tốt nhất để cậu ấy tự lần mò đi một con đường dài, vừa đi vừa khám phá, khám phá đến lúc thấy khó khăn rồi tự giác ngộ và vì thế mà trưởng thành.
Một số ít thí sinh khác chỉ thoải mái để hát những ca khúc đèm đẹp dành cho số đông nghe nhạc quen tai, có thể họ không tin rằng vươn lên một đẳng cấp khác là điều gì đó quá thiết thực hoặc khả thi, vậy hướng đi cho họ phải rõ ràng là để trở thành những ca sĩ thị trường giầu trình độ, tôi phải hiểu cái lý của các thí sinh ấy nhưng cũng khéo léo cho họ hiểu sự khác nhau của một ca sĩ thị trường hạng A với một ca sĩ thị trường hạng Z để họ hướng mình đến với điểm cao nhất.
Anh đánh giá ra sao về giọng hát của 12 thí sinh năm nay? Với riêng Top 3 đặc cách từ Sao Mai 2011 anh thích ca sĩ nào nhất?
- Giờ này tôi vẫn chưa thấy thí sinh nào thể hiện trội lên xa hẳn so với những thí sinh khác, nhưng đồng thời tôi bằng lòng rằng giai đoạn này chúng ta không nên kỳ vọng sự xuất hiện của những thí sinh quá xuất sắc.
Ngay cả ca sĩ chuyên nghiệp chúng ta thấy họ còn thiếu bài hát hay, ca sĩ hát mãi hay nhạc sĩ viết mãi cũng chưa chắc có 1 bài hát thành công để dân nhà nghề thấy mê đắm, thì chúng ta nên nhìn nhận SMĐH đúng mực của nó, chúng ta không ở Mỹ nơi một đứa trẻ sinh ra đã nghe các king, queen, diva âm nhạc hát bên tai, mà chúng ta ở Việt Nam.
12 thí sinh năm nay họ là những cá nhân khá đồng đều và ở chừng mực nào đó cũng có thể xem là rất đa dạng, tôi nghĩ điều đó đã là thành công đã nhìn thấy của SMĐH 2012. Tôi hy vọng một vài trong số họ sẽ gặp may mắn để thăng hoa bứt phá trội lên. Thí sinh cần may mắn và SMĐH 2012 cần có các thí sinh may mắn.
Về top 3 đặc cách, Thúy Trang sẽ là người hát nhạc pop, các bản nhạc trữ tình tròn trịa bay bướm kiểu diva những năm 90, cô ấy có tạm đủ kĩ năng chuyên môn để trở thành một giọng hát có vị trí nào đó, vấn đề chỉ là cô ấy cần chịu cập nhật các kĩ năng hát hiện đại hơn cũng như khả năng biểu đạt cảm xúc từ nội tâm mà thôi.
Việt Anh và Huy Quyết đều rất ổn định và đều sáng giá, mỗi người có một thế mạnh mà người kia có thể sẽ mong có, Việt Anh cần có giọng hát xử lý linh hoạt mềm dẻo hơn, Huy Quyết cần có chút bùng nổ, tính chiếm lĩnh, những điều đó các thí sinh được trao đổi hàng ngày bởi các chuyên gia thanh nhạc cũng như cá nhân tôi, điều đó giúp họ trưởng thành lên dần dần dù ngay cả lúc này họ chưa ý thức hết chăng nữa. Để nói thích ai nhất thì tôi xin phép từ chối.
Người ta thấy các sáng tác của anh khi được thể hiện trong những cuộc thi ca hát thường ít để lại ấn tượng và cũng ít khi mang vinh quang về cho người hát. Có thí sinh cho rằng anh đã viết ca khúc nhắm cho giọng ai là “đóng đinh” luôn người ấy, người hát sau gần như không thể hát hay hơn, thậm chí cực khó sánh bằng. Anh nghĩ gì về ý kiến trên?
- Chìa khóa cho các ca khúc của tôi có thể nằm ở chỗ chúng cần người hát và ban nhạc tập luyện nhiều, tập để thuộc, để nó thuộc về mình như tiếng nói của mình, lúc đó cánh cửa sẽ mở ra.
Ca hát có suy tư là một cách ca hát khác với việc ca hát cho có không khí vui vẻ, đôi khi tôi thấy có ca sĩ cứ được cất giọng là thích lắm rồi và họ nói rằng hát cái gì cũng được miễn là được hát, với tôi đó chưa chắc là hát, đó là họ mới chỉ chơi một trò chơi cất giọng thôi. Một cuộc thi hát có thể cũng là một trò chơi, ở đó một người chơi nào đi đến tận cùng và tình cờ để lại sự xúc động lớn cho đám đông thì người đó thắng cuộc, họ cứ chơi dần và một lúc nhận ra chìa khóa để thành công là chơi phải có suy tư, chơi phải có chiều sâu.
Người xem cũng vậy, họ cứ xem đi, rồi một lúc thấy rằng xem và nghe nhạc cũng cần có suy tư, phải có chiều sâu của việc thưởng thức, về lâu dài tất cả sẽ đi về một cái đích ấy thôi. Tiếc rằng, thực tế đời sống hiện nay có vẻ như hầu hết chúng ta quen loanh quanh đâu đó trong cuộc chơi, chúng ta nhìn cuộc chơi với thước đo của những người đang ở lưng chừng cuộc chơi mà thôi.
Tôi nói thế vì có vẻ các ca khúc của tôi là các ca khúc ở dạng ca hát để suy tư, nó rầy rà mất thời gian và sẽ đem lại nhiều âu lo cho ai mang bài hát của tôi đi thi, chúng vô tình đã đòi hỏi người hát phải đi đến tận cùng tính biểu hiện, tận cùng cái đích. Một bất lợi nữa là chính tôi không bao giờ nghĩ việc đầu tư viết những bài hát nhằm cho ai đó mang đi thi, người ta mà đi thi với bài hát của tôi thì dễ gặp thất bại hơn là thành công. Ngay khi nhận lời làm SMĐH năm nay, tôi đã khuyên cả 12 thí sinh SMĐH năm nay rằng họ chỉ được chọn bài của tôi trong trường hợp chính họ thấy thật sự cần đến, và tôi hứa sẽ không có sự ủng hộ đặc biệt nào với họ cả.
Đồng hành xuyên suốt với SMĐH lần này, công việc hiện tại của anh có bị ảnh hưởng nhiều không, khi mà trong năm nay anh còn dự định ra mắt album Vol.3 của mình?
- Công việc của tôi có bị ảnh hưởng không ít, nhưng tôi hy vọng vẫn kịp thời làm xong album riêng trong năm, nếu có chậm trễ thì tôi nghĩ cũng sẽ không chậm lâu.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện và chúc anh ngày càng thành công trên cương vị mới và sự nghiệp âm nhạc mà anh đã và đang theo đuổi!