Nhạc sĩ Nguyễn Cường: "Tôi hoàn toàn tin vào số mệnh"

Theo Đào Bích/VOV-Thứ hai, ngày 30/01/2017 13:00 GMT+7

VTV.vn - "Kể cả có ai đó đứng lên nói rằng, họ chống lại số mệnh thì tôi tin số mệnh bắt họ phải nói thế", nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ.

Ngoài những ca khúc nổi tiếng viết về Tây Nguyên, sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Cường còn ghi dấu ấn bởi những bài hát viết về Hà Nội, về Bắc Bộ. Nếu với Tây Nguyên, ông viết đầy hào sảng thì ở mảng sáng tác này, âm nhạc của ông lại mềm mại, da diết, trữ tình, lắng đọng. Tình yêu với Hà Nội, với Bắc Bộ chính là nguồn cảm hứng để ông viết nên những giai điệu giàu chất liệu dân gian như Một nét ca trù ngày xuân, Thành phố miền quan họ, Mái đình làng biển...

Thưa nhạc sĩ Nguyễn Cường, nghe nói Một nét ca trù ngày xuân là ca khúc ông viết để "tỏ tình" với người bạn đời hiện tại? 

- Thực ra là trước hết tôi viết cho tôi, cho âm nhạc và cho nhiều người hát và nghe. Còn tặng riêng ai đó thì chỉ có người đó mới biết được.  Khi viết ca khúc, tôi không nghĩ mình có thể đạt được đến một giới hạn nào đó về nghệ thuật. Tôi cũng không có ý định viết một bài hát nào đó mà phải có màu sắc ca trù hay phải đạt đến một hình thức ca hát độc đáo, trí tuệ nào đó. Nhưng hóa ra ca trù ngấm vào tôi đến mức tôi không hề biết. Nó đã là máu chảy trong người mình.

Khi tôi lên Tây Bắc viết về dân tộc Thái tôi phải tìm hiểu lại từ đầu để biết dân ca Thái như thế nào. Đến Tây Nguyên tôi phải học dân ca Ê đê để những thứ đó có thể ngấm vào người. Thế nhưng với ca trù thì khác. Khi anh đang là người Việt Nam, nói sõi tiếng Việt, thì anh đang hát đấy mà không biết. Còn nói tiếng Việt Nam thì những giai điệu như chèo, ca trù, quan họ, trống quân đang chảy trong mạch nguồn mình mà mình không biết.

Năm 1992, có một lần đi viết nhạc phim. Tôi gặp một thanh niên làm công việc hậu đài đang say sưa nghe một làn điệu chèo. Lúc đó tôi thấy cậu ta khóc, nước mắt chan chứa. Tôi ngạc nhiên quá, hỏi thì hóa ra cậu ấy nghe Chèo cho đỡ nhớ nhà. Và càng nghe thì càng nhớ. Dù ngày thường, cậu ấy cũng giống như bao thanh niên khác đều nghe những dòng nhạc hiện đại. Thế đấy, chúng ta yêu Chèo hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.Sau này khi viết Nét ca trù ngày xuân, đến câu "Ai ngăn nổi mùa xuân tới", tôi thốt lên "Ô cái gì như là ca trù ấy nhỉ". Và nét ca trù ấy chảy vào mình càng khát khao, mãnh liệt hơn.

Bài hát này ra đời cách đây 34 năm và lạ một điều là Tết năm nào tôi cũng thấy người ta hát trên truyền hình. Nhưng với tôi, người thể hiện đúng tinh thần bài hát nhất là Tùng Dương.

Bài hát mãnh liệt như thế bởi đó là lúc ông đang yêu?

- Đúng vậy nhưng không chỉ là tình yêu đôi lứa đâu mà còn là tình yêu đất nước, yêu quê hương, yêu thiên nhiên nơi mình đang sống. Mình khát vọng cho đất nước vươn lên. Tình yêu nam nữ giống như cái ngọn, cái người ta dễ thấy nhất, phần lấp lánh bên trên. Còn gốc rễ, nền tảng chính là tình yêu dân tộc.

Bạn bè cùng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội như ông, nhiều người lựa chọn TP.HCM, thậm chí Vũng Tàu để sống, còn ông dường như ông không thể xa Hà Nội được?

- Tôi từng có ý định vào Nam sống hẳn. Một lần là ở Tây Nguyên, lần nữa là Đà Lạt. Đến mức quần áo mùa đông tôi cho anh em, bạn bè hết sạch. Nhưng cuối cùng vẫn quay về Hà Nội như số mệnh. Có lẽ cái gốc Hà Nội bảy đời, tôi có muốn cũng không thể trở thành người nơi khác được. Ông cụ kị tôi sống ở Nghi Tàm, làm nghề chài lưới. Cái thời hồ Nghi Tàm còn rộng lắm, ăn sâu sang tận sông Hồng, hồ Tây. Bây giờ nhà thờ tổ vẫn ở đấy.

Ông là người tin vào số mệnh?

- Tôi tin 100%. Kể cả có ai đó đứng lên nói rằng, họ chống lại số mệnh thì tôi tin số mệnh bắt họ phải nói thế. Ngay cả live show của tôi cũng là số mệnh khi diễn ra cùng ngày với đêm diễn của 4 diva.

Cho nên đã có những điều khiến ông nuối tiếc?

- Nói thế thì vô cùng lắm. Ban đầu tính làm một show nhưng sau đó lại làm đến hai show thì mới thấy "đã". Ấy vậy mà vẫn có nhiều điều khiến mình tiếc đấy. Tôi muốn làm tách bạch hai show riêng về Tây Nguyên và Hà Nội, vì đó là hai mảng lớn trong sự nghiệp sáng tác. Và nếu có thể làm thêm, tôi muốn làm một show diễn về khí nhạc, giao hưởng, thính phòng, hợp xướng.

Những show diễn như thế vẫn chưa thu hút được số đông khán giả Việt Nam. Bán vé vẫn là câu chuyện khiến các nhà sản xuất đâu đầu, ông có lo ngại?

- Thực ra Việt Nam mình vẫn chưa có một nhà sản xuất chuyên nghiệp. Ở nước ngoài công thức của họ là sáng tác - biểu diễn - sản xuất. Người sáng tác không phải lo gì đến việc bán vé. Còn ở Việt Nam thì khác. Live show vừa rồi của tôi, nhà sản xuất họ rất yêu quý mình, chứ thực ra vẫn lỗ, dù không nhiều lắm.

Chắc hẳn, cuộc đời ông có nhiều câu chuyện kỳ lạ khiến ông tin vào số mệnh?

- Tôi lên Tây Nguyên thực tế 8 tháng. Sáng tác được 2 bài hát Hơ Ren lên rẫy và Còn thương nhau thì về. Nhưng hồi đó người ta bảo âm nhạc thế này là đi ngược với chủ trương của Đảng. Ông giám đốc Sở văn hóa bắt dừng chương trình và đã mua vé máy bay để bắt tôi về Hà Nội. Đúng lúc đó thì một lãnh đạo Bộ Văn hóa từ Hà Nội tình cờ ghé đến, rồi tình cờ nghe bài hát và khẳng định ca khúc của tôi sáng tác đúng "chủ trương". Vậy là đi hát, vậy là đoạt giải thưởng và cái tên Nguyễn Cường bắt đầu nổi tiếng từ đó.

Chuyện tôi lên Tây Nguyên và bị mê muội là có thật. Tôi quên hết vợ con, bố mẹ, mê mẩn cái xứ hoang dại ấy như bị ai bỏ bùa. Mà lúc đó Tây nguyên vẫn còn hoang dại lắm.

Thời đó thiếu gạo, nhà nước kêu gọi từ người dân đến các cơ quan phải trồng lúa. Nhưng tôi lại viết Hơ ren lên rẫy vì Tây Nguyên thì chỉ có rẫy mới đẹp chứ làm sao trồng được lúa nước trên đó.

Có em gái Tây Nguyên đi rẫy về, nụ cười tươi rói trên môi dù lao động vất vả. Tôi nhìn thấy ở đó một sức sống tràn đầy, cái dáng đi đung đưa, xinh đẹp, một bên là cao su, một bên là cà phê. Vậy là có Hơ ren lên rẫy. Mà Hơ ren ở đây cũng chỉ là một hình ảnh tượng trưng, không cụ thể một ai cả.

Tây Nguyên có Hơ ren, thế còn Bắc Bộ thì sao?

- Bắc Bộ có Thị Màu và với tôi, cô ấy là người đàn bà đẹp nhất bốn nghìn năm nay. Đó là vẻ đẹp của sự phồn thực, sinh sôi. Tại sao lại gọi là Màu, vì cô ấy màu mỡ. Khi những hủ tục đè lên thì Thị Màu phải nổi loạn. Thị Màu có yêu gì Nô đâu. Nô chỉ là một phép thử để Thị Màu thể hiện cá tính của mình, đó là không chấp nhận sự đè nèn của lễ giáo phong kiến. "Chẳng có Thị Kính nào đâu, chẳng có chú Tiểu nào đâu, chỉ có em thôi....". Thị Màu là sự "đời" hóa, và chính điều này đã làm cô ấy bất tử.

Ông có rất nhiều giai nhân trong âm nhạc, vậy trong đời thực thì thế nào?

- Khi tôi dạy các nam sinh viên, họ cứ gạ tôi kể chuyện tình yêu, để tôi "khai" ra nhưng tôi chỉ nói thế này: "Âm nhạc giống đàn bà. Phụ nữ thế nào thì âm nhạc thế đấy. Thầy viết nhạc như thế nào thì sẽ yêu phụ nữ như thế đấy". Phụ nữ đẹp theo tôi phải nửa kín nửa hở, không phải cứ cởi truồng ra hết là đẹp, là hấp dẫn đâu. Họ phải giữ lại cái gì đó cho mình, cũng giống như tôi, tôi phải giữ lại cho mình những bí mật.

Xin cám ơn nhạc sĩ.

Quý vị độc giả có thể xem thêm các thông tin và tương tác với các chương trình giải trí của VTV qua Fanpage VTV Giải trí của Đài Truyền hình Việt Nam.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước