Nhạc sĩ Dương Thụ: "Bài hát Việt sẽ không ngừng lại"

Nhạc sĩ Dương Thụ-Thứ năm, ngày 11/03/2010 01:00 GMT+7

"Tân nhạc của gần một thế kỷ trước cần 10 năm để khẳng định mình dù nó không có đối thủ. Bài Hát Việt với hai đối thủ nặng ký là lực cản và “nhạc thị trường” mới 5 năm mà đã tựu thành... Đó là một thành công ngoài mong đợi" - Nhạc sĩ Dương Thụ.

Những gương mặt của BHV năm thứ 5 (Ảnh: Đỗ Đức)
Bài hát Việt, trong 5 năm đã thực hiện 46 live show (41 live show chung kết tháng, 5 live show chung kết năm) để trình diễn 387 bài được chọn vào chung khảo trên cơ sở 1126 bài vào sơ khảo khảo và gấp 5 lần như thế những bài được gửi được gửi đến dự thí. Trong bối cảnh âm nhạc rất có vấn đề hiện nay những con số như thế quả là rất ấn tượng.
Nếu làm một cuộc chọn lọc nghiêm túc để chọn ra những bài tốt nhất, có giá trị như sự manh nha cho những tìm tòi về mặt ngôn ngữ âm nhạc thể hiện sự thay đổi về cách tư duy, cách cảm nhận và diễn đạt âm nhạc để tạo ra những giá trị âm nhạc mới, những giá trị đương đại, phù hợp với người nghe hôm nay chúng ta có thể chọn đủ bài cho 6 Album. Một con số có thể là quá ít so với cả vài trăm album được sản xuất trong 5 năm trở lại đây. Nhưng trong nghệ thuật “Quí hồ tinh bất quí hồ đa” (bởi cái hay bao giờ chẳng ít, cái dở bao giờ chẳng nhiều). Nếu đem 60 bài chọn của Bải Hát Việt cùng với 327 bài được chọn vào chung khảo còn lại và cộng cả những bài hát bên ngoài có giá trị nghệ thuật đã được trình diễn trên các sân khấu chuyên nghiệp, được phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng và phát hành trên thị trường, cái “quí hồ tinh” này có thể chiếm một tỷ lệ gần 10% , một tỷ lệ chưa làm chúng ta lạc quan nhưng chắc chắn không thể gây ra sự tuyệt vọng như cảm nghĩ của một số người. Vậy nếu không có Bài Hát Việt thì liệu có được cái tỷ lệ này không? Cho nên Bài Hát Việt không phải chỉ là sự thêm vào mà chính nó đã góp phần quanh trọng trong việc đảo ngược tình thế.

Những đặc điểm chủ yếu của Bài Hát Việt:
Về tác phẩm:
1. Đặc điểm về mặt kỹ thuật âm nhạc:
Những bài lọt vào chung khảo mặc dù mang tình đại chúng, nhưng phần lớn là sáng tác của những người chuyên nghiệp, có học và có nghề:
+ Nó ít có tính chất hát thơ như nhiều sáng tác của thế hệ trước mà ở đó giai điệu thường phụ thuộc vào ngôn ngữ văn chương (nhạc phụ thuộc vào lời).
Lê Minh Sơn - Tác giả của "À í a" (Bài hát của năm BHV 2005)
+ Điểm xuất phát cho một bài hát có thể bắt đầu từ tiết tấu, từ hòa thanh hoặc những mô tip âm nhạc thuần túy và nó phụ thuộc rất nhiều vào cách tổ chức các yếu tố này của mổi phong cách âm nhạc riêng biệt. Vì thế có thể phần ca từ còn sơ sài nhưng bù lại những yếu tố âm nhạc thì nổi bật.
+ Khúc thức mạch lạc, câu cú, đoạn mạch cân phương rõ ràng, không bị tùy hứng, bản năng “dây cà ra dây muống”, cái lỗi mà thế hệ trước đôi khi bị cảm xúc lôi cuốn đi nên thường mắc phải.
+Nhiều bài giai điệu và phần đệm là một chỉnh thể không thể tách rời. Nó là biểu hiện cho sự ra đời của một thế hệ tác giả kiểu mới tư duy có chất khí nhạc.
+Những chất liệu âm nhạc dân gian được xử lý trong một tương quan âm nhạc hoàn toàn mới (giai điệu đậm chất dân gian do những quãng đặc thù xuất phát từ dấu giọng trong ngữ âm của người Việt, nhưng tiết tấu và hòa thanh thì hiện đại. Những bài hát của Lê Minh Sơn, Lưu Hà An, Trịnh Minh Hiền, Đức Nghĩa là một ví dụ)
Lưu Hà An - Tác giả của "Con cò" (Bài hát của năm BHV 2007)
+ Mặc dù có sự pha trộn, song phong cách của mỗi thể loại nhạc dần được định hình, không còn mù mờ như trước nữa. Ngay cả những phong cách nhạc nhẹ mới du nhập như R&B, Funk, Dance, World Music cũng được thể hiện khá nhuần nhuyễn và đã có những tác phẩm nổi bật, thoát ra khỏi sự bắt chước, rập khuôn.
Những đặc điểm trên chính là kế tục sự đổi mới đã có từ những phong trào âm nhạc trước đó trong lĩnh vực bài hát (phong trào ca khúc chính tri nửa cuối thập niên 70 đầu 80, phong trào tình ca thời kỳ đổi mới nửa cuối thập niên 80 và thập niên 90) cộng với sự tiếp thu ảnh hưởng của Pop, Rock,và những phong cách nhạc nhẹ đương đại của thế giới (Jazz, New Age, World Music, Hip hop v.v.). Tuy sự kế tục và tiếp thu này không thật sự xuất sắc.

2. Đặc điểm về nội dung âm nhạc:
+ Những ca khúc thành công trong Bài hát Việt rất ít khi chạy theo đề tài, cái khuyết điểm thường có của nhạc tuyên truyền trước đây. Nó đã bộc lộ một cách tự do hơn về bất cứ vấn đề gì theo những cảm xúc có tính chất cá nhân: tình yêu, môi trường hoặc những vấn đề của riêng mình hoặc của xã hội, mặc dù sự bộc lộ này có thể chưa thật sâu sắc. Đây là một nét mới và cũng là sự kế tục những gì đã thể hiện ở những nhạc sĩ cách tân thuộc thế hệ đàn anh.
+ Tình cảm trong sáng lành mạnh, có cái nhìn tích cực đối với cuộc sống, nhưng sự diễn đạt không được tinh tế lắm: muốn chân thật thì lại thô vụng, muốn văn chương đẹp đẽ thì lại rơi vào sáo rỗng. Tuy nhiên vẫn có những “Giấc mơ trưa”, “Chút nắng vàng bay”, “Giọt sương bay lên”, “Này đồng hoa cúc”, “Chuông gió” v.v. đầy chất thơ,”Bà tôi”, “Con cò”, “Sáng nay”, “Gọi tôi Hà Nội”, “Hoa lài màu xanh”, “Cỏ may” v.v. ẩn dấu một vẻ đẹp chân thật, mộc mạc.
+ Ít nhiều đã cất lên được tiếng nói của một thế hệ bắt đầu tự ván về tình yêu, lẽ sống, về trách nhiệm xã hội của mình. Có vui, có buồn,có kích động, nhưng không có nhiều mơ mộng , lãng mạn và ít kịch tính nội tâm thật sự. Dẫu vậy nó vẫn đủ sức tạo nên sự khác biệt nếu ta đem so với “nhạc thị trường” hiện nay.

Về tác giả:
Trong 5 năm Bài Hát Việt, số lượng người gửi bài lên tới hàng trăm, nhưng những người có thể gọi là tác giả hoặc có khả năng trở thành tác giả không nhiều nhưng cũng đã trở thành một lực lương đáng kể. Tạm thời phân làm hai nhóm:

1. Nhóm tác giả: Không kể các tác giả đã nổi tiếng tham gia như một sự động viên phong trào (Hồng Đăng, Trần Tiến, Trương Ngọc Ninh, Lê Tịnh, Đức Trịnh, Đặng Hữu Phúc, Nguyễn Đức Trung v.v. và trẻ hơn một chút là Anh Quân, Huy Tuấn, Quốc Bảo v.v.).Bài Hát Việt đã khẳng định hoặc giới thiệu với công chúng ít nhất hơn mười tác giả trẻ thuộc những khuynh hướng âm nhạc khác nhau: Lê Minh Sơn, Giáng Son, Lưu Hà An, Nguyễn Vĩnh Tiến, Trịnh Minh Hiền (khuynh hướng dân gian), Võ Thiện Thanh, Nguyễn Xinh Xô, Nguyễn Đức Cường (Pop),Lưu Thiên Hương, Tinna Tình, Thanh Tâm (Rock), những tác giả này bước đầu đã hình thành cho mình một bút pháp riêng.có những tác phẩm tiêu biểu để nhận dạng và đã bước ra khỏi ảnh hưởng của những người đi trước (cả Việt nam và Quốc tế).
Thành Vương (tác giả của "Phố chiều", "Bài ca tình yêu") và Thanh Tâm (tác giả của "Thềm nhà có hoa", "Một ngày mới")
2. Nhóm có khả năng trở thành tác giả: Nguyễn Duy Hùng, Sa Huỳnh, Thành Vương, Nguyễn Hải Phong, Dương Cầm, Văn Phong, Lê Cát Trọng Lý, Đức nghĩa, Bảo Lan, Sơn Thạch, Jazzy Dạ Lam.
Các nhân vật của hai nhóm này hầu hết là những người có học, được đào tạo cơ bản tại các nhạc viện và các trường nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài và đang là những người họat động âm nhạc chuyên nghiệp trong các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, giảng dạy và sản xuất âm nhạc âm nhạc. Đây là một điểm rất khác biệt so với nhiều thế hệ đàn anh, và là một ưu thế rất lớn trong họat động âm nhạc đại chúng hiện nay. Cái thừa của họ là khả năng kỹ thuật, tính thực dụng, giầu lý trí. Cái thiếu của họ là vốn sống, sự trải nghiệm với những áp lực nhiều phía đối với một tài năng, Và cái thiếu nữa là khát vọng sống mãnh liệt, sự mơ mộng và trí tưởng tượng bay bổng. vốn là điểm mạnh của những thế hệ tiền bối. Nhưng 22 nhân vật này của Bài Hát Việt bất kể như thế nào,với khả năng viết dồi dào của mình sẽ là một đối trọng quan trong trong thị trường âm nhạc để dành lại thế cân bằng trong sáng tác bài hát mà trước khi có Bài Hát Việt, cán cân đang lệch hẳn về phía “nhạc thị trường”.
Năm năm Bài Hát Việt là một cuộc đi dũng cảm của những người tha thiết với sự đổi mới và phát triển của nền âm nhạc Việt nam trong lĩnh vực bài hát. Đi về phía trước với những lực cản từ hai phía: những người bảo thủ già cỗi cố chấp chống lại mọi sự thay đổi bằng việc rêu rao những giá trị chính thống và hàn lâm, phía khác là một bộ phận giới sáng tác trẻ thiếu lòng tin vào một cuộc chơi sòng phẳng vì định kiến với Hội Đồng Thẩm Định nên đã gần như quay lưng với một cuộc chơi thật ra là dể dành cho họ với những ưu ái và mọi sự ủng hộ. Nhưng lòng kiên nhẫn của những người trong cuộc và những thành quả ban đầu đã giúp Bài Hát Việt vượt lên, khẳng định chỗ đứng và vai trò của mình trong cuộc đấu tranh chống lại sự nhàm chán của cái cũ và vai trò tiên phong trong công cuộc cách tân âm nhạc. Tân nhạc của gần một thế kỷ trước cần 10 năm để khẳng định mình dù nó không có đối thủ. Bài Hát Việt với hai đối thủ nặng ký là lực cản và “nhạc thị trường” mới 5 năm mà đã tựu thành, dù sự tựu thành này mới chỉ là bước đầu. Đó là một thành công ngòai mong đợi.
Không lặp lại cái hay cũ, nói không với “nhạc thị trường”là một bước tiến quan trọng. Nhưng để tạo dựng được một ngôn ngữ âm nhạc mới, mới nhưng phải trở thành cái hay mới lại là cả một chặng đường dài phía trước. Bài Hát Việt sẽ không ngừng lại. 2010 sẽ là một chặng bước tiếp với những kỳ vọng mới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước