Nhà văn Tô Hoài qua đời

PV-Chủ nhật, ngày 06/07/2014 20:51 GMT+7

Tác giả của "Dế mèn phiêu lưu ký", "Vợ chồng A Phủ"... đã qua đời trưa nay (6/7) tại Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi.

Nhà văn Tô Hoài sinh ngày 27/9/1920, trong một gia đình thợ thủ công ở huyện Thanh Oai, Hà Đông, Hà Nội. Ông lớn lên ở làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tên khai sinh của ông là Nguyễn Sen. Ông đến với văn chương từ thuở thanh niên, bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.

Xuất thân trong một gia đình làm nghề dệt lụa. Học hết bậc tiểu học, Tô Hoài vừa tự học, vừa làm đủ các nghề để kiếm sống. Sự nghiệp văn chương của Tô Hoài bắt đầu tư những tác phẩm in trên Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết thứ bảy vào cuối những năm 30 của thế kỷ 20.

Năm 1938, Tô Hoài tham gia Hội Ái hữu công nhân rồi tham gia phong trào Thanh niên phản đế. Năm 1943, gia nhập tổ Văn hóa cứu quốc đầu tiên ở Hà Nội. Đây chính là thời gian ông xuất bản cuốn truyện dài nổi tiếng “Dế mèn phiêu lưu ký”.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhà văn Tô Hoài làm báo Cứu quốc, Chủ nhiệm tờ Cứu quốc Việt Bắc, chủ bút Tạp chí Cứu quốc. Năm 1957, được bầu làm làm Tổng Thứ ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ 1958 đến năm 1980, tiếp tục tham gia Ban Chấp hành, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ 1966 - 1996: Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội.

Nói đến Tô Hoài, người đọc nhớ ngay đến Tô Hoài của những sáng tác về Hà Nội, Tô Hoài với miền núi Tây Bắc, Việt Bắc, Tô Hoài của hồi ký tự truyện... và những sáng tác cho thiếu nhi. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài là “Dế Mèn phiêu lưu ký”, tác phẩm đã gắn liền với bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Tại cuộc hội thảo kỷ niệm 70 năm Dế Mèn phiêu lưu ký năm 2012, Tô Hoài cho biết, tác phẩm được ông khởi viết năm 17 - 18 tuổi. Theo nhà văn, bối cảnh cuộc phiêu lưu của Dế Mèn chính là vùng Nghĩa Đô ven sông Tô Lịch, nơi nhà văn dành cả tuổi thơ của mình ở đó với trò chơi đấu dế, đúc dế.

Không chỉ thu hút bạn đọc trong nước, cuốn truyện hấp dẫn này còn được dịch ra nhiều thứ tiếng và được bạn bè quốc tế (cả trẻ em và người lớn) đón nhận nồng nhiệt không thua kém gì những truyện cổ tích kinh điển của Anđécxen, của anh em nhà Grimm…Năm 2006, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao tặng nhà văn Tô Hoài bằng chứng nhận “Nhà văn Tô Hoài với tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký được dịch nhiều thứ tiếng nhất”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước