"Nhà gia tiên" thức tỉnh người trẻ với những thông điệp ý nghĩa

Anh Thơ - Tiến Anh-Thứ ba, ngày 25/02/2025 15:15 GMT+7

Current Time0:00
/
Duration0:00
0:00

VTV.vn - Dù ra mắt sau thời điểm Tết, nhưng "Nhà gia tiên" vẫn có một sức cuốn hút riêng nhờ câu chuyện phim gắn với nhiều giá trị văn hoá truyền thống.

Theo số liệu từ trang The box office Vietnam, phim điện ảnh "Nhà gia tiên" hiện đang dẫn đầu phòng vé với tổng doanh thu hơn 100 tỷ đồng sau 5 ngày ra rạp. Dù ra mắt sau thời điểm Tết, nhưng "Nhà gia tiên" vẫn có một sức cuốn hút riêng nhờ câu chuyện phim gắn với nhiều giá trị văn hoá, truyền thống. Bên cạnh đó, còn là những thông điệp ý nghĩa được gửi gắm trong phim.

"Nhà gia tiên" xoay quanh câu chuyện của Mỹ Tiên (do Phương Mỹ Chi thủ vai) - một nhà sáng tạo nội dung Gen Z - quyết định về lại căn nhà thờ tổ tiên mà gia đình mình đang sinh sống để cùng bạn thân tạo nên những clip gây sốt trên mạng xã hội. Mất kết nối với gia đình, vốn không tin vào chuyện tâm linh, chịu đựng sự "trọng nam khinh nữ" từ nhỏ, nhưng Mỹ Tiên bắt đầu thay đổi kể từ khi bất ngờ nhìn thấy Gia Minh (do Huỳnh Lập thủ vai) - người anh trai đã mất từ 10 năm trước - vẫn còn tồn tại như hồn ma trong nhà.

Đạo diễn Huỳnh Lập - phim Nhà gia tiên: "Bộ phim "Nhà gia tiên" là bộ phim để Lập tự hối thúc chính bản thân mình phải có một nhiệm vụ gì đó, lan tỏa những gì mà mình biết về tâm linh, thờ cúng ông bà, Việt Nam. Lập cũng quen nhiều bạn trẻ ở tuổi GenZ hoặc thậm chí là còn nhỏ hơn nữa. Mọi người cứ thắc mắc là việc thắp nhang cho ông bà có ý nghĩa gì, rất là ngao ngán việc ăn đám giỗ, tổ chức đám giỗ. Và cũng có rất nhiều người trẻ, họ không biết bàn thờ ông bà tổ tiên mình ở đâu. Đó cũng là điều mà Lập cũng rất là bất ngờ. Và đó cũng là lý do Lập tạo ra "Nhà gia tiên".

Nhà gia tiên thức tỉnh người trẻ với những thông điệp ý nghĩa - Ảnh 1.

Không chỉ thu hút khán giả khi khai thác đề tài tâm linh, "Nhà gia tiên" còn đồng thời lồng ghép nhiều yếu tố văn hóa truyền thống như những tập tục cúng kiếng, thờ phụng gia tiên trong nhà, nghề bánh xèo, tranh kính...

Đạo diễn Huỳnh Lập - phim Nhà gia tiên chia sẻ: "Lý do tại sao Lập lại chọn bánh xèo, bởi vì bánh xèo là cái nghề truyền thống của bà ngoại của Lập đã nuôi hết tất cả 9 người. Lập muốn đưa cái hình ảnh đổ bánh xèo này của bà ngoại vào trong phim của mình. Khi mà tất cả mọi người vào trong một căn nhà cổ đến cái khu vực thờ thì lúc nào trên bức tường cũng có cái tranh kính như vậy. Và tranh kính là một cái dòng tranh văn hóa đang dần bị mai một ở Việt Nam, là bởi vì tranh kính chỉ xuất hiện trong những nhà cổ, ít ai sử dụng lại trong việc thờ cúng".

Nhà gia tiên thức tỉnh người trẻ với những thông điệp ý nghĩa - Ảnh 2.

Thuỷ Tiên - Phụ trách đạo cụ tranh kính, phim "Nhà gia tiên" kể về quá trình phục dựng tranh kính: "Việc mà tranh kính không còn phổ biến trong việc vẽ tay nữa, nó là một cái áp lực rất lớn đối với đoàn phim. Khi mà mọi người phải phục dựng lại những bức tranh kiếng mà nó mang nét cổ xưa. Có những bức tranh kiếng mà ekip đã phải cùng nhau đi tìm gặp được những nghệ nhân ngày xưa mà họ đã vẽ, nhờ họ phục dựng lại chứ không phải nhờ họ lại mới hoàn toàn".

Bên cạnh đó, những mâu thuẫn trong gia đình, tranh cãi thế hệ cũng được đưa vào phim một cách nhẹ nhàng nhưng đầy sâu cay, diễn viên không khóc nhưng người suy nghĩ và nghẹn ngào lại chính là khán giả.

Chuyện thờ cúng tổ tiên vốn vẫn được cho là việc của người lớn tuổi trong nhà, chính vì thế, câu chuyện của Mỹ Tiên và người anh đã khuất Gia Minh khiến nhiều người trẻ xem "Nhà gia tiên" phải tự ngẫm và soi chiếu lại chính mình trong đó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước