Nguy cơ "tước" di sản hiện hữu trong cân bằng bảo tồn và khai thác lợi ích kinh tế

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 05/07/2023 13:56 GMT+7

VTV.vn - Phát triển bền vững, cân bằng bài toán giữa bảo tồn và phát huy những di sản được UNESCO vinh danh là chủ đề của Góc nhìn văn hóa phát sóng ngày 5/7.

Quần thể di tích cố đô Huế là di sản đầu tiên của Việt Nam nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới. Năm 2023 là tròn 30 năm Huế đón nhận danh hiệu này. Theo đánh giá từ UNESCO, quần thể di tích cố đô Huế đã trở thành một trong những khu di tích được bảo tồn hiệu quả nhất, cả về mặt cấu trúc cũng như các hạng mục di sản phi vật thể khác. Đây là một điển hình thành công của Việt Nam cũng như khu vực châu Á trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Tính đến tháng 5/2023, Việt Nam đã có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, bao gồm 5 di sản văn hóa, 2 di sản tự nhiên và 1 di sản hỗn hợp. Cùng với đó là 15 di sản văn hóa phi vật thể. Một trong những thách thức lớn nhất cần giải quyết là làm sao hài hòa giữa phát triển lợi ích kinh tế và việc bảo tồn các di sản văn hóa thiên nhiên, địa chất, sinh quyển… Vấn đề này đã được đặt ra trong Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam được Ủy ban quốc gia UNESCO tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây, với sự tham gia của UNESCO và các chuyên gia bảo tồn đến từ 10 quốc gia trên thế giới. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng và được UNESCO đánh giá cao như một sáng kiến đầu tiên trên thế giới bao quát tất cả các danh hiệu UNESCO tại một quốc gia, thể hiện sự coi trọng và cam kết của Việt Nam đối với UNESCO trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa.

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO đã đạt được thành tựu quan trọng. Tuy vậy, nhiều thách thức hiện hữu mà các địa phương đang đối mặt trong việc bảo tồn và phát huy các danh hiệu UNESCO, đơn cử như việc du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam và các địa phương sở hữu danh hiệu UNESCO đều là nơi thu hút nhiều khách du lịch. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch cũng có thể đe dọa những giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, tính xác thực của các di sản, đòi hỏi phải phát triển du lịch bền vững, cân bằng giữa lợi ích kinh tế với bảo tồn di sản và bảo vệ môi trường.

Thách thức cân bằng giữa việc bảo tồn và khai thác lợi ích kinh tế là bài toán khó không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Nhiều địa danh trên thế giới đã bị UNESCO tước bỏ danh hiệu khi để xảy ra xung đột giữa lợi ích kinh tế và bảo tồn.

Một di sản được vinh danh, cấp bằng danh hiệu không đồng nghĩa với việc sẽ được sở hữu tấm bằng đó và được công nhận một cách vĩnh viễn. Việc phát triển quá mức, đe dọa giá trị của di sản dẫn đến tước danh hiệu là bài học và cũng đặt ra yêu cầu phát triển kinh tế cần khớp nhịp với bảo tồn, phát huy giá trị danh hiệu. Chỉ khi cân bằng được bài toán này, các danh hiệu mới thực sự trở thành cú hích cho sự phát triển bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước