Nguy cơ tiềm ẩn từ việc tẩy chay trên mạng xã hội

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 18/07/2024 15:30 GMT+7

VTV.vn - Việc báo cáo, tẩy chay nội dung xấu độc được coi là sức mạnh của người dùng mạng xã hội nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều mặt trái nếu bị lợi dụng sai mục đích.

Người dùng báo cáo, tẩy chay các nội dung xấu độc, những hành vi phản cảm trên các nền tảng xã hội là việc làm cần thiết để bày tỏ trách nhiệm và quan điểm của cộng đồng trên không gian mạng. Nhưng hành động này lại ẩn chứa nhiều mặt trái nếu bị lợi dụng vào những mục đích không lành mạnh.

Mới đây, một nhãn hàng phải hứng chịu “cơn bão” đánh giá 1 sao, sau khi mắc phải sai sót trong một buổi livestream. Nhiều người đã bức xúc với phát ngôn của đại diện nhà vườn sầu riêng có tên là O Huyền. Những phát ngôn này được cho là thiếu tế nhị, mang ý xúc phạm KOLs nhiều lần trên sóng. Chính vì thế, nhiều người đã kêu gọi hủy đơn hàng. Hiện tại, kênh Tiktokshop của đơn vị này đã ẩn sản phẩm, bản thân người này cũng lên tiếng xin lỗi nhưng không đủ để xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận.

Câu chuyện này một lần nữa cho thấy sức ảnh hưởng của cộng đồng mạng ngày càng lớn. Sức ảnh hưởng này được tăng lên khi các nền tảng mảng xã hội, ứng dụng dịch vụ cung cấp nhiều công cụ để người dùng thực hiện quyền của mình như chấm sao, báo cáo sai phạm… Nhờ đó, nhiều nội dung xấu độc được xóa bỏ, nhiều dịch vụ kém chất lượng phải thay đổi, nhiều nhà sáng tạo nội dung phải lên tiếng xin lỗi.

Bên cạnh những tác động tích cực, sự tẩy chay theo trào lưu đám đông cũng có thể gây ra những hậu quả tai hại. Trong nhiều trường hợp, khi bị chi phối bởi số đông, nhiều người sẵn sàng bấm nút báo cáo, đánh giá một sao mà không tìm hiểu sự việc đầy đủ, kỹ lưỡng, không hiểu rõ bản chất của vấn đề, từ đó có những đánh giá phiến diện, thiếu khách quan, thậm chí vô tình tiếp tay cho cái ác, bị kẻ xấu lợi dụng.

“Phải phân biệt được việc chúng ta tẩy chay và kêu gọi tẩy chay” - anh Phùng Thái Học, sáng lập công ty truyền thông WOW Agency - “Tất cả khách hàng đều có quyền tẩy chay bất cứ một sản phẩm nào bằng cách không dùng sản phẩm đó. Nhưng khi lên tiếng để kêu gọi những người khác cùng tẩy chay một sản phẩm, tức là chúng ta phải chịu trách nhiệm về những thông tin mình cung cấp. Khi lên tiếng kêu gọi tẩy chay sản phẩm thì luôn phải đối diện với một trường hợp là chúng ta có thể trở thành nguồn cung cấp nguồn tin giả. Trong trường hợp tạo ra thiệt hại cho doanh nghiệp thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Để tránh người khác dắt mũi và làm những việc tẩy chay không chính đáng, chúng ta cần có kỹ năng kiểm chứng và xác thực thông tin, luôn cần chờ cơ quan chức năng và nguồn tin chính thống để ra quyết định, tránh việc nghe nguồn tin từ đâu đó mà ra quyết định tẩy chay hay thậm chí là tẩy chay nhãn hàng”.

Mới đây, tại Hội thảo Khoa học quốc gia văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội, các chuyên gia đã nhắc tới cụm từ ảo tưởng quyền lực. Đây là cụm từ chỉ tâm lý hoang tưởng, nhận thức quá mức về quyền lực của bản thân trên mạng xã hội, từ đó có thể phát sinh những hành vi không phù hợp, vi phạm pháp luật về an ninh mạng, gây thiệt hại cho xã hội, xâm phạm quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức hợp pháp. Ranh giới giữa tiếng nói đúng đắn, bảo vệ lẽ phải với ảo tưởng quyền lực nằm ở sự tỉnh táo, thận trọng và trách nhiệm của mỗi người dùng trên mạng xã hội.

Tẩy chay nội dung xấu, độc trên mạng xã hội Tẩy chay nội dung xấu, độc trên mạng xã hội

VTV.vn - Trước các sự việc liên quan đến những người được cho là có ảnh hưởng trên mạng xã hội xảy ra, nhiều người dùng không tin theo một chiều, mà đã nhận biết bản chất sự việc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước