Sau khi hoàn thành buổi hoà nhạc theo chuỗi Cello Fundanmento 3, Đinh Hoài Xuân chưa trở về Rumani ngay mà nán lại Hà Nội bởi cô có nhiều lời mời biểu diễn. Hoài Xuân không ngại ngần chia sẻ lí do cô cần kéo cày trả nợ cho buổi diễn đình đám của nhạc cổ điển kia.
- Hoài Xuân có kế hoạch gì cho sự nghiệp sau khi hoàn tất bậc học tiến sĩ? Sau bằng Tiến sĩ, mục tiêu tiếp theo của bạn là gì?
Trước đây tôi có ý định làm tiếp postdoc 1-2 năm nữa. Nhưng hiện tại tôi nghĩ mình nên tạm thời dừng lại ở bậc tiến sỹ và tiếp tục tập trung luyện đàn hằng ngày 6-8 tiếng để biểu diễn. Mơ ước của tôi là được solo với các dàn nhạc giao hưởng nói chung và nhất là các dàn nhạc uy tín danh tiếng trên thế giới. Bên cạnh đó cố gắng duy trì và phát triển chuỗi hoà nhạc Cello fundamento mà tôi vô cùng tâm huyết sáng lập và tổ chức ở Vietnam từ năm 2016 để góp phần nhỏ bé phát triển lan toả cây đàn Cello cũng như âm nhạc cổ điển tại Vietnam. Đưa Cello đến trường học , giúp các em nhỏ tiếp cận với Cello và âm nhạc cổ điển ngay từ khi còn bé thông qua giáo dục.
- Đến Cello Fundamento số thứ 3 chị đã thấy "mỏi" chưa? Chị dự định sẽ kéo dài chuỗi hòa nhạc này đến khi nào?
Đã có lúc tôi đi vay để làm MV, để tổ chức các đêm diễn. Nhưng bây giờ, khi nào có đơn vị tài trợ thì tôi sẽ tổ chức tiếp chứ không đi vay để làm nữa (cười).
- Hoài Xuân đã hài lòng với những gì đã làm được tại Cello Fundamento? Chương trình sẽ có những thay đổi gì để hấp dẫn khán giả cũng như giới chuyên môn hơn?
Thử sức chính bản thân mình là điều nên làm, hài lòng thì chưa hoàn toàn hài lòng nhưng rất hạnh phúc vì công sức chuẩn bị mấy năm trời cộng thêm sự liều lĩnh nữa, ít nhất cũng giúp tôi mạnh mẽ và vững vàng hơn trong cả cuộc sống lẫn âm nhạc. Sự sáng tạo trong âm nhạc còn nhiều lắm, nếu may mắn có số sau, tôi sẽ mời dàn nhạc cũng như huyền thoại sống cello trên thế giới về Việt Nam biểu diễn cống hiến cho khán giả Việt Nam.
- Từng có những MV công phu đưa cello vào Vpop, chị có thể chia sẻ những dự án âm nhạc riêng trong thời gian tới?
Đó là MV nhạc Trịnh Sóng về đâu và Hướng về Hà Nội. Lúc đó tôi chỉ có một suy nghĩ là phải làm bằng được, còn làm thế nào thì không cần biết. Tôi cứ vừa đi diễn để dành từng đồng cát-sê, vừa huy động người thân, bạn bè giúp đỡ nhưng vẫn không thể đủ được, vì số tiền lúc đó quá lớn với một sinh viên như tôi. Còn hiện tại, tôi cần thở một chút đã.
- Dù sao khí nhạc vẫn ít có đất sống trong âm nhạc đại chúng, bạn có thể làm gì để thay đổi điều này?
Ngày trước tôi bắt đầu với cello khá muộn, đã không ít lời gièm pha rằng tôi sẽ không đi đến đâu với cello đâu. Nhưng cô bé ngày đó vẫn mỗi cuối tuần (thứ 6) bắt xe đò từ Huế ra Hà Nội học thêm với giáo sư Vũ Hướng rồi chủ nhật bắt xe đò vào lại Huế. Trong suốt một năm như vậy rồi mới ra thi đỗ vào hệ Đại học nhạc viện Hà Nội. Có những lúc tỉnh dậy trên xe đò mở mắt ra chỉ toàn thấy gà và lợn trước mặt, mình vẫn ôm khư khư cây đàn cello bên cạnh. Vì tôi bắt xe rẻ để đi nên thường hay ngồi chung với nhiều người buôn gà lợn. Càng khó càng phải cố, đằng đẵng gần 15 năm trôi qua, giờ sắp nhận bằng tiến sỹ âm nhạc và chơi cello vững vàng hơn ngày xưa nhưng tôi không quên được những tháng ngày cơ hàn đó. Và âm nhạc cổ điển bây giờ, tôi biết rằng cần có thời gian để mọi người yêu thích và tiếp nhận nhiều hơn. Nhưng cá nhân tôi vẫn cố hết sức để phổ cập cello và âm nhạc cổ điển cho công chúng Việt Nam bởi cần thời gian không có nghĩa là cứ để thời trôi qua đến lúc nào đó mọi người sẽ yêu nhạc cổ điển, mà là phải làm hết sức trong công cuộc phổ cập cello và nhạc cổ điển đến mọi người.
Theo tôi một trong những cách tối ưu nhất là đầu tư cho thế hệ mầm non từ bây giờ thông qua giáo dục định hướng và phổ cập âm nhạc cổ điển.
- Được biết đằng sau những dự án âm nhạc hoành tráng của Hoài Xuân có một người bạn lớn hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần. Xuân có thể tiết lộ cho độc giả biết về người bạn này?
Có thể nói duy nhất một điều rằng người bạn đó là "cuốn sổ nợ" dày đặc mà tôi "ghi nợ" suốt năm năm trong công cuộc phổ cập cello ra với công chúng. Nợ việc học, việc chăm sóc bản thân và nợ cả những nghĩa tình mà nhiều người thân đã dành cho tôi.
- Vai trò của các mạnh thường quân, bạn đồng hành với các nghệ sĩ nhất là trong nhạc cổ điển là không thể thiếu từ xưa đến nay. Chị nghĩ sao về điều này? Phải chăng chị đã may mắn gặp được "tri kỷ" ít nhất là trong âm nhạc để có được thành công hôm nay?
Có nhiều mạnh thường quân giúp tôi mua những vé VIP của Cello Fundamento và đó là khoản tiền dùng để ủng hộ các bạn sinh viên, học sinh cần giúp đỡ thôi. May mắn nhất của tôi là đươc khán giả đón nhận. Còn lại chỉ có thể nói là tôi quá liều vì những gì mình đã thực hiện.
- Bí quyết thành công quan trọng nhất mà Hoài Xuân muốn chia sẻ với các bạn trẻ, nhất là những người muốn theo đuổi nghệ thuật?
Tôi chưa nghĩ rằng mình thành công nên để khuyên các bạn thì tôi chưa dám khuyên. Tôi chỉ muốn nói từ chính kinh nghiệm của mình đó là cố gắng học hành chăm chỉ nhất có thể và đi theo con đường riêng của mình bằng chính đôi chân của mình, những sản phẩm cho ra mắt với công chúng dù chưa hoàn hảo nhưng nó phải được xuất phát từ chính ý tưởng, tư duy, sức sáng tạo của chính mình.
Cảm ơn Hoài Xuân và chúc bạn một năm mới được nghỉ ngơi bên gia đình và thành công với những dự định mới.
Đinh Hoài Xuân là Thủ khoa Violoncello Học viện Âm nhạc Huế năm 2005. Cô tốt nghiệp xuất sắc Thạc sĩ biểu diễn Violoncello tại Học viện Âm nhạc Việt Nam năm 2012 và hiện là nghiên cứu sinh chuyên ngành biểu diễn Cello tại Đại học âm nhạc quốc gia Bucharest, Rumani. Đinh Hoài Xuân đã phát hành : CD-DVD Khúc phiêu du một đời gồm 8 ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, MV Sóng về đâu (Trịnh Công Sơn)… Phim ca nhạc Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương) đã được Đinh Hoài Xuân đầu tư sản xuất nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, gây được tiếng vang lớn, được các nhạc sỹ, nghệ sỹ và công chúng đánh giá cao.
Chị cũng chính là người sáng lập chuỗi sự kiện âm nhạc quốc tế Cello Fundamento tại Hà Nội, mà tiền thân là chương trình "Violoncello Concert" đã diễn ra thành công tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện Huế và Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12 năm 2016. Hòa nhạc quốc tế Cello Fundamento ra đời từ niềm đam mê và mong ước của nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân, từ tình yêu tha thiết của cô dành cho Cello và nhạc cổ điển. Thông qua Cello Fundamento, cô muốn muốn mang đến cho khán giả không chỉ là một chương trình hòa nhạc đỉnh cao, mà còn là một góc nhìn mới về văn hóa thưởng thức âm nhạc cổ điển tại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!