"Nếu quà Tết là gói tiền to thì nó không còn là quà"

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 10/01/2023 14:37 GMT+7

VTV.vn - Theo TS. Nguyễn Viết Chức, quà Tết trong văn hóa Việt không chỉ là vật chất mà nó là tình cảm, sự sẻ chia mang đến hạnh phúc cho gia đình và xã hội.

Chương trình Góc nhìn văn hóa lên sóng ngày 10/1 có chủ đề "Tết này tặng gì cho nhau". Phong tục tặng quà ngày Tết luôn là nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt. Món quà Tết không chỉ thể hiện sự tinh tế, mà còn chất chứa sự quan tâm, tỏ lòng kính trọng, yêu thương đến người được tặng.

"Quà Tết là nét đẹp văn hóa. Quà không chỉ là vật chất, nó không phải mệnh giá đồng tiền bao nhiêu, gói quà to bao nhiêu hay giá trị bao nhiêu. Quà là tình cảm, thấu hiểu, chia sẻ và đầm ấm trong gia đình. Đó chính là quà của hạnh phúc, quà của năm mới, mang lại sự đầm ấm, hạnh phúc cho gia đình, người thân và cả xã hội", TS. Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ.

Trong xã hội hiện đại, quà Tết không chỉ dành tặng cho cha mẹ, người thân mà còn là món quà thay lời cảm ơn đối tác, thể hiện sự coi trọng các mối quan hệ xã hội. Chính bởi những lý do trên mà quà Tết ngày nay càng được chú trọng từ chất lượng đến hình thức. Tuy nhiên, trong nhịp sống hôm nay, đâu đó nét đẹp tặng quà ngày Tết đã bị méo mó, biến tướng khi một số người dùng nó để "chạy chọt", cầu cạnh lợi lộc cá nhân, mua danh bán chức…

Trong phiên tòa mới đây, cựu Bí thư Tỉnh ủy và cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai khai trong số tiền mỗi người nhận hối lộ 14,5 tỉ đồng của doanh nghiệp có nhiều lần số tiền đưa ngụy trang bằng món quà Tết. Một truyền thống tốt đẹp là tặng quà Tết đã bị lợi dụng, biến tướng để che đậy hành vi hối lộ, nhận hội lộ, tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống, suy thoái tư tưởng chính trị...

"Chữ quà trong ngôn ngữ Việt Nam rất hay, đó là thứ để thưởng thức chứ không phải là để ăn no cho kễnh bụng. Nếu quà là gói tiền to thì nó không còn là quà. Chúng ta gọi là quà biếu nhưng đó là hối lộ", TS. Nguyễn Viết Chức cho biết.

Nhiều năm nay, Đảng và Chính phủ ban hành những văn bản chỉ đạo với các nội dung cụ thể như: Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết… Điều này chứng tỏ, nét đẹp văn hóa truyền thống này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới tiêu cực, tham nhũng.

"Không có quy định, sự cấm đoán nào có thể hoàn hảo tuyệt đối để làm người ta khỏi áp lực trong vấn đề quà Tết. Chỉ có tự mình ứng xử đúng chuẩn mực văn hóa", TS. Nguyễn Viết Chức nói thêm.

Trong ca khúc Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu, sau những tranh cãi nổ ra, người ta nhận ra rằng thông điệp chính của ca khúc không phải là "mang tiền về" và nằm ở vế thứ 2 - "Đừng mang ưu phiền về cho mẹ".

Tiền trong bài hát này chứa nhiều lớp lang, ẩn dụ. Tiền không chỉ đơn thuần là giá trị vật chất, mà đằng sau nó là thành công, là sức lao động, mồ hôi nước mắt của người con đã miệt mài làm việc, phấn đấu suốt cả năm, để dành dụm, gom nhặt mang về như món quà dành cho mẹ, để mẹ thấy - con mẹ đã lớn lên, đã lao động và trưởng thành như thế nào. Giá trị thực của quà Tết không chỉ nằm ở vật chất mà còn là những thông điệp ẩn sau nó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước