Mùa Trung thu yêu thương sau bão lũ

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 17/09/2024 14:05 GMT+7

VTV.vn - Năm nay, trong bối cảnh thiên tai, bão lũ đang hoành hành tại nhiều vùng miền, Trung thu càng trở nên đặc biệt hơn.

Tết Trung thu là nét đẹp văn hóa truyền thống từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Đây là dịp để cả xã hội bày tỏ tình cảm yêu thương đối với thanh thiếu nhi. Vui hội Trung thu, trẻ được vui chơi, được nhận quà trong tưng bừng trống hội, rực rỡ sắc đèn.

Tuy nhiên, năm nay trong bối cảnh thiên tai, bão lũ đang hoành hành tại nhiều vùng miền, Trung thu càng trở nên đặc biệt hơn. Trong Thư gửi thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu 2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã viết: "Trung thu năm nay không được trọn vẹn bởi thiên tai đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với nhiều gia đình, thôn xóm, bản làng, phường xã. Nhiều cháu thiếu nhi không may bị cướp đi sinh mạng, nhiều cháu mất người thân, mất nhà cửa, sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bác xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân, gia quyến các cháu là nạn nhân của bão lũ và hy vọng tất cả chúng ta hãy dũng cảm vượt qua đau thương, mất mát này”. 

Ở khắp mọi miền đất nước, mùa Trung thu năm nay thay vì những lễ hội tưng bừng, các hoạt động được tổ chức giản dị, tiết kiệm, tràn đầy ý nghĩa nhân văn. Có thể kể đến như Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thông báo hoãn tổ chức chương trình "Vui Tết Trung thu 2024"; Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tạm hoãn Hội đèn lồng quốc tế Huế, Lễ hội áo dài Linh Phụng, Hội rước đèn lồng đường phố và chương trình nghệ thuật Mùa thu cho em diễn ra trong các ngày 16-19/9. Lễ hội Thành Tuyên tổ chức từ 30/8 đến 15/9 - lễ hội Trung thu lớn nhất cả nước, cũng được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang thông báo dừng tổ chức...

Cùng với đó, nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị đã chủ động rút gọn các chương trình, không tổ chức những lễ hội hoành tráng, chuyển sang hình thức tặng quà thiết thực, hỗ trợ trực tiếp cho người dân vùng bão lũ. Nhiều trường học trên cả nước cũng đã điều chỉnh kế hoạch đón Trung thu. Hiện tại, còn 99 điểm trường chưa thể dạy học trở lại sau bão lũ. Mỗi sự trao đi lúc này, dù ít hay nhiều, giúp con đường đến trường của hàng trăm, hàng ngàn em nhỏ gần hơn, giúp những mùa Trung thu sắp tới tròn đầy hơn.

Dù bớt rộn ràng hơn nhưng trung thu năm nay lại đầy ắp những yêu thương, dịp này, các hoạt động giáo dục cũng được đẩy mạnh nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Trung thu không chỉ là dịp để trẻ em vui chơi mà còn là cơ hội để giáo dục các giá trị nhân văn. Cùng với các hoạt động chia sẻ với trẻ em vùng bão lũ, việc chăm lo Tết Trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cũng được tổ chức ở nhiều nơi. 

Ngày Tết Trung là dịp để sum họp, cùng hướng về nguồn cội, trao gửi yêu thương. Vậy nên, dù ở đâu, đón Tết Trung thu bằng cách nào, rộn ràng hay trầm lắng thì giá trị của ngày Tết Trung thu cũng không bao giờ thay đổi, khi mỗi người biết trân trọng, nâng niu gắn kết tình thân trong gia đình và sự sẻ chia yêu thương với đồng bào dân tộc.

Trung thu với các phong tục truyền thống Trung thu với các phong tục truyền thống

VTV.vn - Tại Hà Nội, không khí trung thu năm nay có xu hướng quay về với các trò chơi dân gian truyền thống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước