Mong Việt Nam là phim trường thế giới

Theo NLĐ-Thứ hai, ngày 22/02/2016 00:00 GMT+7

Đoàn làm phim “Kong: Skull island” nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của chính quyền trong những ngày qua khi đoàn đặt chân đến Việt Nam

Đoàn làm phim “Kong: Skull Island” (thường gọi là “King Kong 2”) với sự tham gia của nhà sản xuất, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts cùng 3 diễn viên chính của bộ phim là nữ diễn viên Brie Larson, tài tử gạo cội Samuel L. Jackson và nam diễn viên Tom Hiddleston bắt đầu ngày làm việc của mình tại Việt Nam bằng buổi họp báo diễn ra vào sáng 21-2 tại Hà Nội. Tham dự họp báo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Vương Duy Biên chia sẻ “chưa bao giờ thấy buổi họp báo nào đông nhà báo như hôm nay”.

Nhiều cảnh sắc đẹp không có trên thế giới

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết đoàn làm phim đã tự chọn các cảnh quay của Việt Nam và chính phủ Mỹ cũng như Việt Nam đã tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn. Ông hy vọng sau bộ phim này sẽ có những dự án điện ảnh mới đến Việt Nam, hai nước có tiềm năng hợp tác rất lớn và không có gì là không thể. Thứ trưởng Biên cảm ơn đoàn làm phim đã chọn Việt Nam làm bối cảnh quay, tin tưởng các cảnh quay này sẽ được thực hiện tốt và khi các cảnh quay từ Việt Nam xuất hiện trong bộ phim, thêm nhiều người sẽ biết đến cảnh đẹp của Việt Nam, muốn đến Việt Nam, thêm nhiều đoàn làm phim khác sẽ đến Việt Nam để quay phim.


Các nghệ sĩ trong đoàn phim “Kong: Skull Island” cùng Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius trong buổi họp báo ở Hà Nội.Ảnh: Dương Ngọc

Các nghệ sĩ trong đoàn phim “Kong: Skull Island” cùng Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius trong buổi họp báo ở Hà Nội.Ảnh: Dương Ngọc

Thông tin từ Đại sứ quán Mỹ cho biết các cảnh quay bắt đầu từ ngày 22-2. Bộ phim hành động thiên sử thi này là phim điện ảnh có quy mô lớn nhất từ trước tới nay được quay tại Việt Nam. Được biết, bộ phim sẽ được quay tại các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình, Ninh Bình. Tại các địa phương này, đoàn làm phim thực hiện các cảnh quay sẽ có sự tham gia của nghệ sĩ địa phương trong vai quần chúng.

Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts cho biết ông luôn cố gắng tìm những bối cảnh mới cho phim của mình do khi khán giả đến rạp, họ muốn nhìn thấy những khung cảnh mới. “Chúng tôi đã đi khắp thế giới để chọn những cảnh đẹp mới cho phim. Khi tới Việt Nam, ngay khi bước khỏi xe, chúng tôi rất bất ngờ. Khung cảnh ở đây đẹp đến ngỡ ngàng, siêu thực, khác với những hình ảnh chúng tôi đã có, từ núi non, hình dáng, màu sắc… Rất nhiều cảnh sắc đẹp không có trên thế giới. Chúng tôi tin rằng khi xem phim, khán giả Mỹ sẽ thốt lên: “Nơi nào mà đẹp thế? Chúng tôi muốn đến đó!”. Dù không nói rõ những cảnh quay ở Việt Nam chiếm bao nhiêu thời lượng phim, ông cũng cho biết rằng phần quay ở Việt Nam là những cảnh quay rất quan trọng của bộ phim. “Chúng tôi muốn khán giả khi xem phim thấy được sự hiện diện của Việt Nam ở đây” - đạo diễn nói.

Điều kiện cần và đủ

Có lẽ đây là đoàn làm phim được tiếp đón nồng hậu nhất ở Việt Nam, cũng là đoàn phim được các cơ quan quản lý văn hóa quan tâm nhất từ trước đến nay với sự có mặt của Thứ trưởng Vương Duy Biên tại buổi họp báo ngày 21-2. Trước đó, không ít bộ phim bom tấn của nước ngoài đã đến quay tại Việt Nam. Trong số này có thể kể đến bộ phim “Người tình” (đạo diễn Jean-Jacques Annaud), “Đông Dương’’ (đạo diễn Régis Wargnier), “Điện Biên Phủ” (đạo diễn Pierre Schoendoerffer), “Người Mỹ trầm lặng” (đạo diễn Phillip Noyce)...

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 21-2, ông Vương Duy Biên nhấn mạnh Việt Nam luôn trải thảm đỏ mời các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam. “Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện tối đa cho họ và rất mong muốn Việt Nam là trường quay của điện ảnh quốc tế” - ông Biên khẳng định.

Tuy nhiên, để trở thành điểm đến của nhiều đoàn làm phim nước ngoài, Việt Nam phải có nhiều điều kiện cần và đủ. Dường như chúng ta đang thiếu một cơ chế rõ ràng với những hướng dẫn cụ thể để có được mối liên hệ mật thiết với các đoàn làm phim nước ngoài, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà sản xuất phim nhận thấy thuận tiện và hiệu quả khi chọn Việt Nam làm bối cảnh quay.

Những bộ phim như “Kong: Skull Island” có nội dung không thuộc “nhạy cảm” nên dễ dàng được chính quyền tiếp đón. Còn những phim có nội dung “nhạy cảm” như liên quan đến chiến tranh Việt Nam hay ý thức hệ, số này tương đối nhiều, không phải dễ dàng được chính quyền chấp thuận.

Mong Việt Nam như Thái Lan

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nhấn mạnh quá trình làm phim tại Việt Nam là điểm nhấn nêu bật những tiềm năng du lịch tuyệt vời của Việt Nam và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các ngành công nghiệp giải trí của hai nước. Chính phủ Mỹ đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam dành cho dự án phim này. Sự ủng hộ đó cũng rất hữu ích cho Việt Nam. Sẽ thật tuyệt vời nếu Việt Nam có thể hưởng lợi từ hoạt động làm phim của các hãng phim nước ngoài như Thái Lan. Theo Cục Điện ảnh Thái Lan, năm 2015, nước này thu được 89 triệu USD từ hoạt động sản xuất 724 bộ phim của nước ngoài, trong đó có 63 phim truyện.

Một cơ hội vàng quảng bá cho Việt Nam bị bỏ lỡ khi hãng Warner Bros đến Việt Nam quay phim “Pan và vùng đất Neverland” tại Sơn Đoòng (Quảng Bình). Khi bộ phim phát hành toàn thế giới và ra mắt tại Việt Nam vào tháng 10-2015, nhiều khán giả ngỡ ngàng khi được biết các địa điểm hang Én (Quảng Bình), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Ninh Bình đã xuất hiện trong phim. Không ít người đặt câu hỏi tại sao một bộ phim bom tấn của Hollywood đến quay tại các thắng cảnh nước ta mà ta lại bỏ mất cơ hội để quảng bá Việt Nam ra toàn thế giới.

Có ý kiến từ một cơ quan của Bộ VH-TT-DL cho rằng họ không nhận được bất kỳ công văn hay kịch bản nào xin quay phim nên không có chuyện bỏ lỡ. Tuy nhiên trên thực tế, thông tin Warner Bros được cấp phép vào Việt Nam khảo sát và tìm địa điểm quay phim “Pan và vùng đất Neverland” đã được công bố trên webstie của Bộ VH-TT-DL, theo Quyết định số 1231/QĐ-BVHTTDL ban hành ngày 22-4-2014. Theo quyết định này, Bộ VH-TT-DL đã giao cho Cục Hợp tác quốc tế trách nhiệm đón và quản lý đoàn thuộc hãng phim nói trên tại Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước