Làm ăn kiểu chộp giật có thể trở thành vết bẩn trên bộ mặt văn hóa truyền thống Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 03/07/2023 12:17 GMT+7

VTV.vn - Sống và kinh doanh kiểu chộp giật, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, không quan tâm chữ tín thì được ít mất nhiều.

Hàng ngày, trên các con phố, không quá khó để bắt gặp hình ảnh những sạp bán hoa quả, với biển quảng cáo ghi mức giá thấp đến bất ngờ cho một kg. Tuy nhiên, khi đến gần, người mua mới thấy một số 2 nhỏ xíu, như chơi trò trốn tìm trên tấm biển. Hóa ra, số tiền được ghi trên bảng quảng cáo là mức giá dành cho 0,5kg, chứ không phải là 1 kg như hình dùng ban đầu.

Nhiều người mua hàng cảm thấy bực mình như bị lừa nhưng đành cho qua vì lỡ dừng xe. Chiêu trò chộp giật của người bán hàng chỉ lừa được khách 1 lần. Lâu dần, càng ngày càng ít người mua hàng và sạp hàng hoa quả cũng càng vắng khách. Đó là một ví dụ rõ nét cho câu chuyện được – mất khi làm ăn buôn bán một cách chộp giật. Từ chộp giật thường được dùng để chỉ cách sống, cách kinh doanh buôn bán mà trong đó, người ta thể hiện sự ích kỷ, chỉ biết đến lợi ích trước mắt.

"Văn hóa ao làng vẫn tồn tại. Nó manh mún, bé nhỏ và gây cho con người cảm giác là lúc nào cũng phải tranh thủ, vơ vét lấy một phần có lợi. Đó là thiểu số bé nhưng phải được lưu ý trong bối cảnh hôm nay, vì một thiểu số bé có thể làm hại cộng đồng. Sự chộp giật ấy có thể trở thành vết bẩn trên bộ mặt văn hóa truyền thống Việt Nam. Vết bẩn ấy dù nhỏ vẫn có thể ảnh hưởng cả dân tộc" – TSKH Đoàn Hương chia sẻ - "Không có ai chộp giật mà giàu được. Cho nên chúng ta phải sửa chữa văn hóa này, hay tiêu diệt nó thì đúng hơn, nhất là trong điều kiện hôm nay".

Điều đáng buồn là chộp giật đã trở thành hiện tượng thường gặp trong các mô hình kinh doanh nhỏ ở Việt Nam. Làm ăn mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài, không cần nghĩ đến bảo vệ uy tín thương hiệu, đây là kiểu văn hóa kinh doanh xấu xí, bất lợi cho cả người kinh doanh, khách hàng và môi trường kinh doanh nói chung. Điều này có thể thấy rõ trong môi trường mạng. Với những tiện ích nhanh gọn khi ngồi nhà cũng có thể sở hữu mặt hàng mon muốn, mua hàng trực tuyến trở nên phổ biến ở khắp mọi nơi. Mua bán không cần phải nhìn mặt nhau, nhiều người đã lợi dụng kẽ hở này để bắt đầu các chiêu trò làm ăn chộp giật.

Một ví dụ khác cho cách làm ăn chộp giật là trong lĩnh vực du lịch, với một số cá nhân cung cấp dịch vụ lưu trú nhà hàng. Nhiều năm trước, một số khu du lịch kinh doanh kiểu thời vụ đã xuất hiện, một năm chỉ hút khách một mùa nên tranh thủ bán hàng với giá đắt đỏ, chèo kéo và làm phiền khách du lịch. Những nơi làm việc kiểu này đã bị khách du lịch quay lưng. Gần đây, tình trạng chộp giật trong kinh doanh du lịch đã giảm dần nhưng chưa hết hẳn.

"Con sâu làm rầu nồi canh", những hành động kinh doanh chộp giật của một số cá nhân khiến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trở nên không đẹp trong mắt du khách quốc tế. Điều được không thấy đâu nhưng mất thì có thể rất nhiều. Đáng buồn là tư duy chộp giật không chỉ có trong kinh doanh mà còn len lỏi vào trong cuộc sống. Không chỉ vậy, nhiều bậc phụ huynh cũng đang vô tình dạy con mình lối sống chộp giật khi nêu gương xấu trong cách hành xử, kinh doanh mà chỉ nghĩ tới cái lợi trước mắt cho bản thân.

Các chuyên gia văn hóa đã chỉ ra rằng do đặc điểm của nền kinh tế tiểu nông nghiệp lạc hậu, cuộc sống của người dân còn phải đối mặt với đói nghèo nên tại đâu đó vẫn tồn tại tâm lý chộp giật, tranh thủ những gì có lợi ích trước mắt cho bản thân để mưu sinh. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, thói quen chộp giật đang ngày càng trở nên lạc hậu. Hậu quả tiêu cực của nó ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Sống và kinh doanh kiểu chộp giật chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, không quan tâm chữ tín thì được ít mất nhiều.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước