Được ra đời năm 1892, làng ảnh Lai Xá đã thực sự là một dấu ấn đậm nét trong tiến trình phát triển của nhiếp ảnh Hà Nội cũng như nhiếp ảnh Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Từ Lai Xá, hình thức nhiếp ảnh cửa hiệu của Việt Nam đã ra đời và phát triển. Gần 2.000 thợ ảnh từ quê hương Lai Xá đã tản ra khắp mọi nơi, ở hơn 200 hiệu ảnh cả Bắc - Trung - Nam, có lúc họ còn sang đến Lào, Campuchia, Thái Lan,Trung Quốc, Pháp,… để mở cửa hiệu. Một số cửa hàng khi khai trương còn lấy chữ Lai để chứng tỏ mình gốc từ làng Lai Xá. Trong đó có một số hiệu ảnh được thành lập vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mà đến nay người Lai Xá vẫn còn nhớ.
Trưng bày cuốn Ghi chép nhanh về Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá và Bảo tàng ảnh Lai Xá
Một góc trưng bày của bảo tàng
Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá cũng là bảo tàng nhiếp ảnh đầu tiên tại Hà Nội, được thành lập trong dịp kỷ niệm 125 năm làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá (1892-2017). Bảo tàng có diện tích 300m2, bao gồm 2 tầng. Trưng bày 150 bức ảnh, 150 hiện vật và 25 pano bài viết. Các nội dung và trưng bày trong bảo tàng do PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, và bà Veronique Dollfus - một chuyên gia tư vấn thiết kế bảo tàng người Pháp - chịu trách nhiệm.
Tái hiện không gian của một tiệm chụp ảnh xưa
Tầng 1 của bảo tàng tái hiện không gian của một tiệm chụp ảnh xưa với bố trí góc nội thất và phông vẽ phong cảnh để khách chụp ảnh. Trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, người thợ ở Lai Xá sử dụng máy hộp gỗ, có 3 chân và chụp bằng phim kính, sau đó chuyển sang sử dụng phim nhựa. Một chiếc máy ảnh hiệu UNION (Pháp), sử dụng phim 13x18cm, từ hợp tác xã nhiếp ảnh Nắng Xuân được trưng bày tại bảo tàng.
Trình bày về các hiệu ảnh xưa
Nói về những hiệu ảnh và nghề ảnh đối với người dân Lai Xá hiện nay
Tầng 2 là không gian trưng bày chính của bảo tàng, với nhiều bộ sưu tập ảnh với các chủ đề khác nhau. Trong không gian này, du khách có thể tìm hiểu về nhiếp ảnh của người Lai Xá trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nguồn gốc của các hiệu ảnh và các hiện vật xưa để lại.
Các hiện vật liên quan đến lịch sử nghề nhiếp ảnh đầu tiên tại Việt Nam, từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đều được trưng bày tại bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá.
Trưng bày những máy ảnh cổ.
Bảo tàng trưng bày nhiều loại thuốc ảnh như thuốc hiện hình, thuốc làm màu, thuốc tẩy ảnh... Những hiện vật được thu thập từ người dân Lai Xá để xây dựng bảo tàng nhiếp ảnh đã phần nào thể hiện quy trình làm ảnh thủ công tiêu biểu trong thế kỷ 19 và 20.
Tái hiện không gian in phóng trong phòng tối
Các loại thuốc rửa, lên màu, lên phim
Bảo tàng trưng bày những máy ảnh từ những năm 1930 - 1960
Bảo tàng còn kể câu chuyện về nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá thông qua các chủ đề như phác họa biểu tượng của phòng chụp ảnh xưa, ông tổ nghề nhiếp ảnh của làng, các hiệu ảnh xưa, ảnh chân dung, nghệ thuật chiếu sáng...
Và những câu chuyện kể về hợp tác xã nhiếp ảnh
Từ khi thành lập đến nay, bảo tàng đã thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Đặc biệt là các nhóm sinh viên từ các trường đại học và những nghệ sĩ nhiếp ảnh gạo cội. Mỗi khi đến tham quan thì mọi người có thể viết lưu bút tại sổ ở tầng 1.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!