GenZ (thế hệ Z) là thuật ngữ để chỉ nhóm người được sinh ra từ năm 1997 đến năm 2012. Có người đã lập gia đình, sinh con nhưng không ít người còn mải chơi, bận học hành, mới đi làm nên khi có con, những người này ở trong trạng thái chưa sẵn sàng, thậm chí rất lúng túng và bối rối. Vô vàn những tình huống hài hước khi GenZ làm cha mẹ được chia sẻ trên mạng xã hội. Có thêm một thành viên là có thêm những tiếng cười, đó cũng là niềm vui vô bờ bến với các ông bố, bà mẹ GenZ. Nhưng đằng sau hình ảnh dễ thương, đáng yêu của các bạn nhỏ, những bạn trẻ GenZ cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, áp lực khi phải làm cha mẹ ở tuổi gọi là "ăn chưa no, lo chưa tới".
Những bước tiến quan trọng của xã hội kể từ khi thế hệ GenZ chào đời gồm Việt Nam kết nối Internet toàn cầu vào năm 1997, năm 1998 Google ra đời, năm 2004 Facebook ra đời và năm 2005 Youtube ra đời. Như vậy, khi thế hệ GenZ đầu tiên chào đời, Internet đã xuất hiện ở Việt Nam. Sự xuất hiện của Internet một mặt thu hút các bạn trẻ vào hình thức giải trí mới lạ, hấp dẫn bên ngoài gia đình, khiến họ bị phân tâm nhiều hơn so với thế hệ trước. Bên cạnh đó, phần lớn GenZ sinh ra trong kỷ nguyên số nên được tiếp cận với lượng thông tin khổng lồ từ sớm, hình thành trong họ kỹ năng tìm kiếm, thu thập thông tin từ Internet và những vấn đề mà họ quan tâm, trong đó có việc nuôi dạy con.
"Tôi quan sát hàng xóm có bạn trẻ làm mẹ từ khá sớm, khi chưa được 20 tuổi, lúc ấy bà ngoại vừa trông con vừa trông cháu, còn cô gái ấy cứ loay hoay vì vốn được bảo bọc từ A đến Z. Tuy nhiên, tôi nghĩ đó chỉ là thiểu số" – nhà báo Phong Điệp, báo Nhân dân chia sẻ - "Khi các bạn trẻ phải làm cha mẹ, họ có tinh thần nhập cuộc rất nhanh".
Cuộc sống của GenZ khi phải quyết định tiến tới hôn nhân, sinh con không phải lúc nào cũng vui. Có con ở độ tuổi còn quá trẻ nên bên cạnh niềm vui, họ cũng có những thiệt thòi mà bản thân chưa lường trước được. Nhiều bố mẹ chia sẻ rằng chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc chào đón thành viên mới, như thiếu kiến thức chăm con, điều kiện kinh tế…
"Cùng một lúc, các bạn trẻ phải đối diện với rất nhiều áp lực, làm sao vừa nuôi con khỏe mạnh vừa đảm bảo công việc tốt, thu nhập ổn định, làm sao có thể tiếp tục duy trì đam mê của bản thân… Khi những tiêu chí đặt ra càng nhiều thì áp lực càng lớn. Nhưng một điều tôi nể phục ở các bạn trẻ hiện nay là điều tiết, thu xếp cuộc sống của mình và làm tốt công việc mà mình kỳ vọng mong muốn", nhà báo Phong Điệp cho biết.
Bên cạnh các bạn trẻ thế hệ GenZ đã vững vàng, có thể chịu trách nhiệm trước quyết định làm cha, làm mẹ của mình, cũng có những bạn trẻ chưa thực sự sẵn sàng. Vì vậy, có những người đã sinh con ra nhưng bỏ mặc con cho bố mẹ chăm sóc, thậm chí nuôi con với tâm lý trời sinh voi sinh cỏ, con muốn ra sao thì ra. Bên cạnh đó, bắt nguồn từ tâm lý lo lắng con chưa trưởng thành nên không ít ông bà thiếu tin tưởng, dẫn đến sự can thiệp quá sâu vào cuộc sống, vào cách chăm con của con mình. Nếu điều này không được điều chỉnh một cách hài hòa thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong các gia đình như xung đột, mâu thuẫn về thế hệ trong việc chăm sóc trẻ, tâm lý dựa dẫm, ỷ lại hoặc khiến các ông bố, bà mẹ trẻ lúng túng không biết phải sống sao cho đúng ý cha mẹ mình…
"Để giải quyết vấn đề này, các bậc làm cha, làm mẹ lớn tuổi nên tôn trọng các bạn GenZ. Bởi dù sao, đủ 18 tuổi họ có quyền công dân, điều đó có nghĩa rằng họ có quyền lập gia đình, có quyền sinh con và đồng nghĩa các bạn phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, với những đứa con và có trách nhiệm nuôi dạy cho tốt. Vì thế, thay vì nhảy ra can thiệp thì cha mẹ hãy lui lại để con mình được thể hiện vai trò trụ cột trong gia đình, vì sự tin cậy, trao quyền sẽ giúp các bạn GenZ trưởng thành nhanh hơn", nhà báo Phong Điệp nói tiếp.
Trở thành cha mẹ khi còn trẻ tuổi chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên, những khó khăn cũng chưa bao giờ là không thể vượt qua khi có sự tiếp sức của các thành viên khác trong gia đình. Khi đã quyết định lập gia đình, GenZ cần có trách nhiệm với cuộc sống của mình, vời các thành viên trong gia đình và đặc biệt là với sinh linh bé nhỏ mới chào đời. Học làm cha, làm mẹ cũng là học để trưởng thành. Dù lựa chọn là gì thì GenZ vẫn hãy sống một cuộc đời có trách nhiệm và hạnh phúc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!