Nhưng Avatar không chỉ đơn giản là loạt phim gắn với những con số kỷ lục trong lịch sử điện ảnh thế giới, mà còn được nhìn nhận như một siêu phẩm mang tính thức tỉnh, có thông điệp nổi bật, sâu sắc về bảo vệ môi trường, bảo vệ sự đa dạng của hệ sinh thái cũng như các giá trị văn hóa bản địa.
Câu chuyện thời sự về môi trường
Ngày nay, các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đang được quan tâm hơn bao giờ hết, nhưng vẫn có rất ít bộ phim chạm tới những vấn đề nóng hổi này một cách choáng ngợp, có sức ảnh hưởng lớn như Avatar. Năm 2009, đạo diễn James Cameron không chỉ tạo nên bước ngoặt đột phá trong việc mang đến trải nghiệm xem phim 3D, lập nên doanh thu cao nhất của mọi thời đại, mà còn đặt nền móng cho câu chuyện mang đầy tính thời sự về sắc tộc, về môi trường, hiểm họa của sự khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, nguy cơ từ sự chiếm đoạt lãnh thổ, văn hóa… dưới góc nhìn mang màu sắc phiêu lưu kỳ ảo.
Phim Avatar: The Way of Water (Ảnh: Avatar)
Khi điện ảnh thế giới bị thống trị bởi các loạt phim chuyển thể thì Avatar là sản phẩm nguyên bản, được phát triển từ tâm huyết, ý tưởng, tầm nhìn mà James Cameron đã ấp ủ, gắn với nhận thức và sự quan tâm sâu sắc của ông với các vấn đề môi trường, về vai trò, sự tác động của con người đối với tự nhiên. Ông thậm chí đã dành tới hơn 13 năm gần như không nhận đạo diễn bất cứ bộ phim điện ảnh nào khác để tập trung thực hiện Avatar 2 với tên gọi The Way of Water - một bộ phim có thể chưa thực sự thuyết phục những khán giả mong đợi cốt truyện hay, kịch tính, nhưng là một phim đáng để suy ngẫm về giá trị, sức mạnh, triết lý trong dòng chảy của nước.
Avatar: The Way of Water (Ảnh: 20th Century Studios)
Với những người quan tâm đến “sức khỏe” của đại dương trên Trái đất, Avatar 2: The Way of Water là hành trình rất giàu cảm xúc để tìm về với nước, với sự bao dung, chở che, với sự dữ dội của những cuộc sinh tồn. Trong khi đó, với phần 3 mang tên Fire and Ash (tạm dịch Lửa và Tro), Avatar và đạo diễn James Cameron cho thấy tham vọng trong việc tiếp tục hoàn thiện thế giới kỳ ảo ở hành tinh Pandora với những yếu tố cơ bản nhất cho sự sống.
Mỗi tập phim là một cách giới thiệu tộc người mới, nền văn hóa mới. Sự xung đột giữa họ là không tránh khỏi, cũng như sẽ luôn có sự đấu tranh giữa thiện với ác, giữa tốt với xấu, giữa kẻ mạnh muốn thống trị với những người muốn bảo vệ mảnh đất, bản sắc, nguồn cội của mình… Qua đó, Avatar thuyết phục khán giả về thông điệp tôn trọng sự đa dạng và bảo vệ những cộng đồng yếu thế.
Đạo diễn tỷ đô và các tiêu chuẩn bền vững
James Cameron được xem là người quyết liệt với việc bảo vệ môi trường. Điều này không chỉ thể hiện trong các bom tấn tỷ đô của ông mà còn ở cách ông thiết lập tiêu chuẩn bền vững trong việc sản xuất phim với việc sử dụng năng lượng Mặt trời, cung cấp thức ăn có nguồn gốc thực vật. Ông gặp được “một nửa” của mình - bà Suzy Amis Cameron - một nhà hoạt động xã hội, cùng chí hướng trong mục tiêu sự phát triển bền vững. Bà Suzy Amis Cameron cũng chính là người khởi xướng sáng kiến toàn cầu Red Carpet Green Dress với tham vọng “xanh hóa thảm đỏ”, nêu cao ý thức bảo vệ môi trường của các ngôi sao trong việc tái sử dụng trang phục, sử dụng chất liệu thân thiện. Cùng nhau, cặp vợ chồng nhà Cameron đã tạo nên hình mẫu cho sự thay đổi mang tính cơ bản, bước ngoặt trong guồng sản xuất phim ảnh theo hướng bền vững, không phải ở quy mô những dự án nhỏ mang tính thử nghiệm, mà ở một trong những bom tấn điện ảnh được thực hiện với ngân sách lớn nhất trong lịch sử, lên tới hơn 350 triệu USD.
Vợ chồng đạo diễn James Cameron (Ảnh: Jon Kopaloff/FilmMagic)
Trên phim trường Avatar: The Way of Water, đã có 55.000 bữa ăn chay được phục vụ cho ekip. Các hoạt động hoàn toàn sử dụng năng lượng Mặt trời. Việc tiết kiệm nước được đề cao. Chẳng hạn như loại bỏ sử dụng nước đóng chai để mỗi người đều mang theo và sử dụng bình nước cá nhân. Cách làm này không chỉ giảm thiểu tối đa việc sử dụng nhựa mà còn rất tiết kiệm nước vì phần lớn mọi người có thói quen uống một vài ngụm nước để rồi khi chai nước được đặt xuống trong môi trường tập thể, chúng sẽ bị loại bỏ lãng phí do hiếm ai nhớ kỹ chai nước nào là của riêng mình.
James Cameron cũng nổi tiếng là một đạo diễn vô cùng khó tính với những đòi hỏi, tiêu chuẩn cực kỳ cao cho các diễn viên tham gia. Ngay cả với bom tấn thiên về kỹ xảo như Avatar, ông cũng không bao giờ cho phép nghệ sĩ hời hợt với công việc. Một minh tinh hàng đầu như Kate Winslet đã phải học nhịn thở tới 7 phút để thực hiện các cảnh quay dưới nước. Tuy nhiên, vượt qua những trở ngại, bối rối ban đầu trong việc làm quen, bắt nhịp với yêu cầu mới, theo bà Suzy Amis Cameron, mọi người đều cảm thấy tự hào khi không chỉ được góp mặt trong bom tấn của những kỷ lục mà còn trở thành một phần trong sự thay đổi lớn lao đang diễn ra và sẽ khiến Hollywood phải chuyển động, phải bắt kịp hơn với yêu cầu bức thiết của thời đại.
Đạo diễn James Cameron (Ảnh: AFP)
Thực tế cho thấy, từ những người tiên phong, quyết liệt như vợ chồng đạo diễn James Cameron, xanh hóa sản xuất phim không còn quá xa vời mà đang trở thành trào lưu, là cam kết trách nhiệm của Hollywood. Amazon đã đặt ra mục tiêu đạt mức phát thải ròng carbon bằng 0 trong toàn bộ hoạt động của mình vào năm 2040, vì thế việc sản xuất phim đang ngày một phát triển của hãng cũng sẽ không thể đứng ngoài xu thế này. Một trong những hành động chuyển đổi từ Amazon là đưa vào hoạt động Stage 15 - hệ thống trường quay ảo với màn hình LED khổng lồ để mang đến sự linh hoạt, tự do trong việc hiện thực hóa những tầm nhìn sáng tạo trong khi giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường thực tế. NBC Universal cũng hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2035, vì thế đã đặt ra chuẩn mực xanh cho quy trình sản xuất được áp dụng vào nhiều bộ phim như sử dụng tiết kiệm nhiên liệu, thực phẩm, tăng cường tái chế, sử dụng vật liệu, năng lượng thân thiện…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!