Không chỉ một, hai mà hàng chục người thi nhau xông vào hôi của của người bị nạn, tranh nhau, giành giật, thậm chí cãi vã lớn tiếng để giành một vài tài sản hoàn toàn không thuộc về mình. Đây được coi là hành vi kém văn hóa, bất nhẫn trước sự không may của người khác. Người bị nạn buồn vì mất đồ một phần, còn càng buồn hơn vì ứng xử của những người xung quanh.
Nói về chủ đề này, nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc VOV Giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ: "Tôi nghĩ lòng tham ở bất cứ đâu, thời đại hay xã hội nào luôn tồn tại trong con người. Lợi ích dễ dàng rất khó để từ chối. Người ta dễ quên đi việc phải trả giá, đối mặt với luật pháp hay ánh mắt của cộng đồng, thậm chí trước sự tự vẫn của lương tâm mình".
Có người hùa theo đám đông, có người thờ ơ, bàng quan trước khó khăn của người khác, tuy nhiên đa phần xuất phát từ lòng tham, với suy nghĩ đơn giản kiểu muốn sở hữu mà nhặt nhạnh tất cả mọi thứ không phải của mình, thậm chí do thiếu hiểu biết về pháp luật, nhiều người có thể bước vào vòng lao lý nếu tham lam nhặt của rơi trên đường.
"Không kịp nghĩ tới hoàn cảnh của người khác, không nghĩ tới những yếu tố mà người bị nạn phải đối mặt, họ chỉ nghĩ tới lòng tham của mình trước tiên, điều đó khiến họ hành động không kịp suy nghĩ. Tôi chắc rằng, khá nhiều người tham gia vào các vụ hôi của trên đường, khi trở về nhà họ sẽ nghĩ ngợi, tự vấn lương tâm. Có thể họ nghĩ lại, chắc hẳn nhiều người sẽ mang trả lại đồ mình lấy được", nhà báo Phạm Trung Tuyến nói tiếp - "Việc thực hành luật pháp để hiểu rằng hành vi hôi của sẽ phải trả giá trước pháp luật dường như không được phổ biến. Trong khi đó, giá trị của việc hưởng lợi nhanh, dễ hơn người khác lại đang được phổ biến, đứa trẻ cũng bị tập nhiễm thói xấu đó nhanh hơn".
Người Việt Nam vốn có truyền thống đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, thương người như thể thương thân, nhặt được của rơi trả người đánh mất. Vì thế, hôi của, lấy đồ của người gặp nạn trên đường là hành vi đi ngược lại với truyền thống tốt đẹp, đạo lý làm người. Tất nhiên, nó chỉ rơi vào một bộ phận người dân, bởi còn vô vàn điều tử tế ngoài cuộc sống, lòng tốt vẫn luôn hiện diện.
Giữ hồn Trung thu: Bao giờ cho tới ngày xưa? VTV.vn - Cuộc sống hiện đại khiến Trung thu đổi khác nhiều nhưng những giá trị truyền thống về ngày Tết thiếu nhi vẫn luôn được nhiều người mong mỏi có thể hồi sinh mạnh mẽ hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!