Hạnh phúc khi dạy trẻ câm điếc

Theo Hường Hải/VOV-Thứ tư, ngày 10/02/2016 14:00 GMT+7

Á hậu Điếc toàn cầu Lê Thị Thúy Đoan.

VTV.vn - Á hậu Điếc toàn cầu Lê Thị Thúy Đoan sinh năm 1989, từng lọt top 10 Vẻ đẹp vầng trăng khuyết 2013 - cuộc thi dành cho các thí sinh khuyết tật Việt Nam.

Thúy Đoan cũng giành ngôi vị Á khôi cuộc thi Hoa khôi điếc tại Việt Nam 2015. Ngoài công việc dạy học cho trẻ ở trường Hy Vọng, Thúy Đoan còn là thành viên của CLB Người điếc Hà Nội và Phó Chủ tịch CLB Người điếc quận Long Biên - Hà Nội.

Vượt qua 70 thí sinh xuất sắc đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, Lê Thị Thúy Đoan đã giành ngôi vị Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Điếc toàn cầu 2015 tại cộng hòa Séc. Cô cũng là hoa khôi điếc đầu tiên ở Việt Nam thực hiện ước mơ để chứng tỏ rằng: Người điếc có thể làm được những điều mà người bình thường làm được.

Bước ra cuộc thi sắc đẹp mang tầm quốc tế với ngôi vị thứ hai nhưng Thúy Đoan ngoài đời không giống những “ngôi sao” mà tôi từng gặp - vẫn nét mộc mạc chan hòa của cô gái xuất thân từ một gia đình thuần nông tại Đức Giang, Long Biên, Hà Nội. Việc Đoan đăng quang khi trở về không được công luận chú ý hay ghi nhận khiến cô có chút chạnh lòng nhưng cô thấy niềm vui lớn nhất là mình được khám phá bản thân, đã vượt lên chính mình, được gặp rất nhiều người trên thế giới. Thuý Đoan chia sẻ: “Đến với cuộc thi, các người đẹp điếc từ nhiều nước trên thế giới rất vui vẻ và cởi mở, chủ động, khiến tôi tự tin hơn rất nhiều. Ngoài ra tôi còn được thưởng thức nhiều món ẩm thực trên thế giới mà các bạn đem đến cuộc thi”.

Tôi hỏi, động lực gì khiến Đoan dám “mang chuông đi đánh xứ người”? Cô cười: “Mọi người biết tôi đã được trải nghiệm ở những cuộc thi trước. Tuy nhiên trước xứ mệnh đại diện cho cộng đồng người điếc của một quốc gia, tôi lo sẽ làm phụ lòng mọi người nhất là khi họ nói: Em phải tự chứng minh với mọi người rằng, người điếc có thể làm được rất nhiều thứ”. Việc chịu khó tìm tòi, học hỏi qua bạn bè đồng cảnh ngộ, nhất là sự động viên của bạn bè trên facebook… đã giúp Đoan tự tin vượt qua mọi rào cản về địa lý, ngôn ngữ, an ninh và kinh tế để bước vào cuộc thi Hoa hậu Điếc toàn cầu (hồi tháng 7/2015).

Nếu như trước kia, Đoan phải làm may mặc, dạy học theo Dự án IDEO - Dự án giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường nhằm hỗ trợ trẻ điếc giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu thì sau khi đăng quang, Đoan bận rộn hơn với nhiều hoạt động ở Dự án IDEO nên không còn thời gian may vá nữa. Thúy Đoan nhận thấy các em đều có hoàn cảnh giống mình trước kia nên việc dạy các em không chỉ bằng những gì được tập huấn từ các chuyên gia về kỹ năng dạy giao tiếp và can thiệp sớm bằng ngôn ngữ ký hiệu, mà bằng cả tình yêu thương, kinh nghiệm, bản năng của mình.

Thuý Đoan kể, khi phát hiện Đoan bị điếc bẩm sinh, gia đình đã đưa Đoan chạy chữa khắp nơi, nhưng cô vẫn không thể nghe nói như người bình thường. Tuổi thơ cô là cả những chuỗi ngày buồn khi ngay cả người ruột thịt trong gia đình cũng không thể san sẻ vì không có ngôn ngữ chung. Mặc dù rất mực thương con, bố mẹ bắt Đoan đeo trợ thính, nhưng chính điều ấy lại là nỗi kinh hoàng với cô. Đoan bảo: “Khi đeo máy trợ thính, tôi không nghe được bố mẹ dạy gì dù là những câu ngắn mà toàn những tạp âm của ô tô xe máy càng khiến tôi đau đầu nên tôi quyết định tự bỏ máy trợ thính và học ngôn ngữ của người điếc. Thật mừng, việc được học ngôn ngữ ký hiệu, mỗi khi giao tiếp tôi cảm thấy mọi người quý mến, muốn nói chuyện với mình hơn và thấy mình thực sự không còn lạc lõng”.

Suốt từ 6 tuổi, Đoan chỉ được học nói, học ký hiệu và viết đơn giản ở trường Hy Vọng - ngôi trường dành cho trẻ điếc và khiếm thính, ở phường Đức Giang quận Long Biên nên gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Đến năm 2003, khi Đoan 14 tuổi, cô gia nhập Chi hội Người điếc Hà Nội, Đoan mới thực sự được hòa nhập và hiểu thế nào là văn hóa của người điếc. Cô nhận thấy mình cũng có thế giới riêng và không kém phần đặc biệt trong cộng đồng người điếc.

Từ ngày đi dạy tại nhà cho trẻ câm điếc, thấy nhiều bé tiến bộ từng ngày Đoan vui lắm. Như trường hợp bé Mai Anh, 3 tuổi. Khi thấy con chạy nhảy, cười đùa với Đoan, mẹ của Mai Anh bật khóc và nói: “Nhiều lúc con ngã, biết con đau nhưng nó không thể nói nên không biết con có cảm giác như thế nào. Khi muốn làm điều nhỏ nhất để giúp con vui mà tôi cũng không thể”. Đoan động viên: “Nếu chị học ký hiệu sẽ nói chuyện được với Mai Anh thôi”. Rồi Đoan nói với bé: “Mẹ khóc kìa, Mai Anh ra lau nước mắt và ôm mẹ đi”.

Nhờ công việc dạy trẻ mà Thuý Đoan càng thấu hiểu được nỗi niềm của những ông bố bà mẹ khi bất lực trước việc hiểu và chăm lo dạy dỗ cho con mình, khiến Đoan càng thêm yêu công việc này. Tôi hỏi Đoan về dự định trong tương lai, Đoan thổ lộ, chỉ lo dự án IDEO kết thúc, cô sẽ ít cơ hội được tiếp tục theo đuổi công việc dạy học cho trẻ có cảnh ngộ như mình. Nếu có cơ hội tham gia các hoạt động cộng đồng lúc nào cô cũng sẵn sàng.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước