Han Kang: Người chấm dứt cơn khát của Hàn Quốc với giải Nobel Văn học

Quỳnh Anh (Theo nobelprize.org)-Thứ bảy, ngày 09/11/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Han Kang là nhà văn đầu tiên của xứ sở kim chi nhận được giải thưởng Nobel Văn học

Han Kang, tác giả người Hàn Quốc nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết Người ăn chay, đã được trao giải Nobel Văn học 2024. Cô là nhà văn đầu tiên của xứ sở kim chi nhận được giải thưởng danh giá này.

Han Kang: Người chấm dứt cơn khát của Hàn Quốc với giải Nobel Văn học - Ảnh 1.

Giải Nobel Văn học 2024 được trao cho Han là một điều bất ngờ. Trước khi công bố, ứng viên được yêu thích nhất cho giải thưởng năm nay là Can Xue, một nhà văn tiên phong của Trung Quốc chuyên viết tiểu thuyết thuộc nhiều thể loại. Tuy nhiên, khi Han giành được giải thưởng, các tác giả và người hâm mộ trên toàn thế giới rất tán dương và coi đây là sự lựa chọn thích hợp. Mats Malm, thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển, cơ quan tổ chức giải thưởng, cho biết lý do Han đã nhận được giải Nobel Văn học 2024: “Văn xuôi đầy chất thơ mãnh liệt của Han Kang đối mặt với những tổn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người”. Còn Porochista Khakpour, tiểu thuyết gia – nhà báo nổi tiếng của Mỹ, cho rằng, Han “đã được tôn vinh một cách chính đáng như một người có tầm nhìn xa trông rộng ở Hàn Quốc”. 

Paige Aniyah Morris, đồng dịch giả cuốn tiểu thuyết We Do Not Part của Han (sẽ được Hogarth xuất bản tại Mỹ) cho biết, tác phẩm mang tính đột phá của Han đã định hình lại bối cảnh văn học ở Hàn Quốc: “Tác phẩm của Han đã truyền cảm hứng cho một thế hệ nhà văn Hàn Quốc trở nên trung thực hơn và táo bạo hơn trong chủ đề của họ”. Tiểu thuyết gia Hernan Diaz ca ngợi: “Han có thể tiếp cận những tổn thương đã định hình và làm ảnh hưởng tới cả thế hệ. Cô ấy làm được điều đó mà không biến tiểu thuyết của mình thành công cụ giáo khoa đơn thuần”… 

Han Kang được chào đón nồng nhiệt ở Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết: “Đây là một thành tựu to lớn của văn học Hàn Quốc và là một dịp để ăn mừng quốc gia”. Ông ghi nhận khả năng của Han trong việc nắm bắt những giai đoạn đau thương trong lịch sử gần đây của đất nước họ. 

Han Kang: Người chấm dứt cơn khát của Hàn Quốc với giải Nobel Văn học - Ảnh 2.

Han Kang sinh năm 1970 tại Gwangju, Hàn Quốc. Cha cô cũng là một tiểu thuyết gia. Han học văn học tại Đại học Yonsei ở Hàn Quốc và tác phẩm xuất bản đầu tiên của cô là thơ. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Black Deer của cô xuất bản năm 1998, kể về chuyện một người phụ nữ bị mất tích bí ẩn. Sau đó, cô nảy sinh ý tưởng cho một truyện ngắn về một người phụ nữ trở thành một cái cây, và cuối cùng cô đã phát triển thành truyện Người ăn chay, được Deborah Smith dịch và bán nó cho một nhà xuất bản ở Anh. Trong hơn hai thập kỷ, nhiều tiểu thuyết và thơ ca của Han đã được xuất bản trước khi tác phẩm của cô được dịch ra tiếng Anh. Trong số các tiểu thuyết của Han có The White Book, cũng được đề cử cho Giải sách quốc tế và Bài học tiếng Hy Lạp, xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 2023. 

Khi ấn bản tiếng Anh được phát hành và nhận được nhiều lời khen ngợi vào năm 2016, The Vegetarian (Người ăn chay) đã giúp thúc đẩy một làn sóng dịch mới về tiểu thuyết mang tính thử nghiệm hơn, bao gồm cả các tác phẩm của những phụ nữ có khuynh hướng ủng hộ nữ quyền. Anton Hur, một dịch giả và tác giả người Hàn Quốc, cho biết: “Bản dịch và sự thành công của tác phẩm, đã khiến văn học Hàn Quốc trong dịch thuật trở nên sắc sảo hơn, mang tính thử nghiệm và táo bạo hơn. Cô ấy đã thay đổi cuộc trò chuyện về văn học Hàn Quốc.”

Han Kang: Người chấm dứt cơn khát của Hàn Quốc với giải Nobel Văn học - Ảnh 3.

Ankhi Mukherjee, Giáo sư văn học tại Đại học Oxford nói rằng, bà đã dạy tác phẩm của Han “năm này qua năm khác” trong gần hai thập kỷ. “Tác phẩm của cô ấy luôn mang tính chính trị - cho dù đó là chính trị của cơ thể, giới tính, của những người đấu tranh chống lại nhà nước - nhưng nó không bao giờ buông bỏ trí tưởng tượng văn học. Dù vậy, nó rất vui tươi, hài hước và siêu thực”.

Theo Viện Hàn lâm Thụy Điển, trong tác phẩm của mình, Han Kang đối mặt với những tổn thương lịch sử và những bộ quy tắc vô hình, đồng thời, trong mỗi tác phẩm của cô, đều phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người. Cô có một nhận thức độc đáo về mối liên hệ giữa thể xác và tâm hồn, sự sống và cái chết, đồng thời, cô đã trở thành một nhà đổi mới trong văn xuôi đương đại.

Trong những năm gần đây, sau khi vấp phải sự chỉ trích về việc số lượng người đoạt giải là nữ hoặc đến từ bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ quá ít ỏi, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã cố gắng tăng cường sự đa dạng của các tác giả được xem xét cho giải thưởng văn học. Han là tác giả nữ thứ 18 nhận giải Nobel văn học, giải thưởng được trao cho 120 nhà văn kể từ năm 1901.

Một số học giả và dịch giả cho rằng, thật phù hợp khi nhà văn Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải Nobel là phụ nữ. Phần lớn văn học đương đại mang tính đột phá của Hàn Quốc đang được viết bởi các tiểu thuyết gia nữ, trong đó có một số người đang thách thức và vạch trần sự kỳ thị cũng như những gánh nặng đặt lên vai phụ nữ ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong giới truyền thông và văn học, các nhà văn nam lớn tuổi thường được coi là những ứng cử viên sáng giá nhất cho giải Nobel. Morris, người ngoài việc dịch tác phẩm của Han còn dịch tác phẩm bằng tiếng Hàn, cho biết: “Trong nhiều năm nay, cuộc thảo luận về cách giành được giải thưởng văn học cho Hàn Quốc dường như chưa một lần nghiêm túc cân nhắc rằng, câu trả lời có thể là Han Kang, bất chấp thành công vang dội của cô. Vì vậy, thật bất ngờ thú vị và một chút công bằng khi thấy một nhà văn nữ trở thành người chấm dứt cơn hạn hán giải Nobel văn học của Hàn Quốc.”

Cuốn The Vegetarian xuất bản tại Hàn Quốc năm 2007 đã đoạt giải Sách quốc tế năm 2016 sau khi được dịch sang tiếng Anh. Được viết thành ba phần, cuốn sách miêu tả những hậu quả bạo lực xảy ra khi nhân vật chính Yeong-hye từ chối tuân theo các quy định về ăn uống. Quyết định không ăn thịt của cô đã bị cả chồng và người cha độc tài quyết liệt phản đối, đồng thời cô bị anh rể lợi dụng tình dục và thẩm mỹ. Cuối cùng, cô được đưa vào một phòng khám tâm thần, nơi chị gái cô cố gắng giải cứu và đưa cô trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, Yeong-hye ngày càng chìm sâu hơn vào tình trạng giống như rối loạn tâm thần được thể hiện qua “cây rực lửa”, biểu tượng cho một vương quốc thực vật vừa hấp dẫn vừa nguy hiểm. Cô quyết định tuyệt thực và khao khát được biến thành một cái cây có thể sống chỉ nhờ ánh sáng Mặt trời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước