GS - TS Trần Văn Khê: "Trút hết ưu phiền dạ thảnh thơi"

Huy Thông (Thể thao & Văn hóa)-Thứ sáu, ngày 26/06/2015 11:20 GMT+7

VTV.vn - Nhiều người gọi căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, TP.HCM là căn nhà âm nhạc vì những người đang sống ở đó...

Dòng dõi liên quan đến chủ nhân của căn nhà ấy đều hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Và nhà số 32 Huỳnh Đình Hai là một địa chỉ văn hóa vì chủ nhân của ngôi nhà này cũng là một con người văn hóa, một biểu tượng tận hiến vì di sản văn hóa. Tiếc thay, con người văn hóa ấy – GS Trần Văn Khê – đã vĩnh viễn ra đi.

1. Trong di bút để lại trước lúc đi xa, GS Trần Văn Khê mong muốn ngôi nhà mà ông ở sẽ được sử dụng làm nhà lưu niệm mang tên ông, biến “tài sản” cá nhân thành tài sản của cộng đồng, cho cộng đồng và vì cộng đồng.

Điều đó một lần nữa cho thấy tấm lòng của ông đối với hậu thế, với những di sản văn hóa đồ sộ chất chứa trong căn nhà mà ông đã mất gần cả đời người mới “xây” được. Ông mong muốn bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng đến với nhà lưu niệm để tiếp tục mở ra mọi nguồn gốc tri thức về văn hóa, âm nhạc truyền thống của dân tộc thông qua hàng ngàn cuốn sách, hàng ngàn băng đĩa và vô số hiện vật văn hóa vừa mang tính lịch sử vừa mang tính khoa học.

GS - TS Trần Văn Khê trong cuộc trò chuyện với Truyền hình TTXVN.

GS - TS Trần Văn Khê trong cuộc trò chuyện với Truyền hình TTXVN.

Và một điều nữa, ông muốn chứng minh với mọi người thông qua những gì mình để lại rằng: Đây, tất cả những di sản tôi để lại là tôi đã được thừa hưởng từ các bậc tiền nhân, đã tận hiến cho nó đến mãn đời thì các bạn cũng có thể làm được điều tương tự, miễn là (như lời ông nói): “Người Việt phải yêu văn hóa Việt và giữ gìn lấy nó, phát huy nó đúng cách”.

Và cách cách gìn giữ văn hóa dân tộc theo quan điểm của ông là: “Chúng ta không bế quan tỏa cảng, vẫn mở rộng cửa, đón nhận tất cả những thứ bên ngoài để có được sự thưởng thức dồi dào. Nhưng đón dồi dào xong phải trả lại cho “khách”, giữ lại những gì của chúng ta, thuộc về chúng ta”.

Quan điểm ấy thể hiện ngay ở những việc làm nhỏ nhất của GS Trần Văn Khê. Trong lần gặp gỡ với ông tại tư gia, tôi để ý thấy ông có một vài người “thư ký riêng”. Ngoài chị giúp việc chuyên dọn dẹp, nấu nước, giúp đỡ ông đi lại bằng xe lăn, những người khác giúp ông số hóa các tài liệu trên máy vi tính, in sao băng đĩa để lưu trữ. Ông còn mời thợ đến nhà sửa chữa máy ghi âm, cassette đời cũ để lưu lại như một kỷ vật đã gắn liền với quãng thời gian nghiên cứu của mình, trong đó có chiếc máy thu âm mà năm 1976 ông đã sử dụng để thu buổi diễn tấu ca trù của nhóm nghệ nhân gồm cụ Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc (hát), Đinh Khắc Ban (đờn), Khắc Hiền (đánh chầu) ở Hà Nội để gửi đến UNESCO nhằm phản biện lại quan điểm “âm nhạc Tây phương mới là mẫu mực, còn âm nhạc Á Đông, trong đó có Việt Nam chỉ là thứ âm nhạc dân gian ít có giá trị”.

Ông kể: “Năm 1976 tôi từ nước ngoài về Hà Nội, tìm khắp trong thành phố không có tiếng đàn đáy, không có tiếng phách. May thay nhờ anh Đỗ Nhuận tôi đã gặp được các bà Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, ông Đinh Khắc Ban và Khắc Hiền. Sau khi được sự đồng ý của anh Tố Hữu, Hội Nhạc sĩ đã cùng với các nghệ nhân tổ chức một chương trình cho riêng mình tôi thưởng thức và thu âm để tôi mang cho UNESCO. Thu đến đâu, nước mắt tôi chảy ròng đến đó vì cảm tưởng mình đang thu lại chút hương thừa của những đóa hoa sắp tàn trên một cái cây đã trở nên cằn cỗi là ca trù. Sau đó, UNESCO đã mua hơn 400 đĩa ca trù Việt Nam gửi đến nhiều trường Đại học ở Mỹ, Pháp và các nhà nghiên cứu âm nhạc, văn hóa trên thế giới. Đó là khoảng thời gian có lẽ là vui sướng và hạnh phúc nhất của tôi khi mà đi đến đâu, tôi cũng thấy, cũng được “gặp lại” đĩa hát mà mình đã cất công về nước làm, từ đó đã góp phần dọn đường cho UNESCO đánh giá lại những giá trị của âm nhạc truyền thống các nước, trong đó có Việt Nam”.

2. Tôi dùng hai câu của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi GS Trần Văn Khê: “Xa chốn ngựa xe xuân mộng đến/ Vui bên sách vở tuổi già ngâm”, thầy có vui không?". Khi đó, GS Khê còn mẫn tiệp và vốn dĩ cũng rất giỏi làm thơ, đã đáp lại bằng hai câu của cụ Nguyễn Du: “Sách vở đầy bốn vách/Có mấy cũng không vừa…”.

Rồi “ông già Nam Bộ” họ Trần tiếp tục mang thơ mình ra “đãi” khách thay cho lời tự bạch: Trước đây, hay bây giờ, cuộc sống của thầy như thầy đều vậy: “Mở cửa xuất hành đầy mặt lạ/Về nhà chuốc ẩm vắng người thân. Đôi lúc thấy buồn, cô đơn nhưng vẫn lạc quan, vui vẻ”.

Tôi hỏi: “Sao thầy không gọi anh Hải (con trai ông đang sống ở Pháp) về sống cùng cho vui?”. Ông cười hiền: “Thời đại công nghệ tiên tiến, con cái nó sống ở đâu cũng không có sao. Muốn nói chuyện thì gửi thư điện tử, nhanh hơn thì điện thoại, gấp gáp quá thì đáp máy bay, nhiều lắm 1, 2 ngày đã lại sum họp. Thầy không sợ ở một mình vì đã rất nhiều năm bôn ba nước ngoài thầy cũng đã ở một mình quen rồi. Rồi đây, căn nhà này thành nhà lưu niệm, rất đông người đến thì thầy sẽ vui thôi!”.

Đúng là thời đại công nghệ tiên tiến đã mang lại nhiều tiện ích cho con người, trừ sự bất tử. Giờ đây, ông sắp an nhiên tự tại trong lòng đất mẹ, đã được như lời tự thuật của chính ông: “Cuối đời mới được say cùng mộng/Trút hết ưu phiền dạ thảnh thơi”.

Tự thuật ngẫu hứng

Tính tuổi còn hai đúng bảy mươi

Tuổi già mặc tuổi vẫn yêu đời

Dân ca nghiên cứu hàng trăm điệu

Quốc nhạc trùng tu cả một đời

Đợi ngắm trăng lên vàng mặt biển

Chờ xem chiều xuống đỏ chân trời

Cuối đời mới được say cùng mộng

Trút hết ưu phiền dạ thảnh thơi.

7-1988

Trần Văn Khê

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước