Đối với câu chuyện tồn tại những bài hát phản cảm, dung tục, nhiều ý kiến của khán giả đã được chia sẻ trên mạng xã hội: "Tiêu chuẩn âm nhạc bây giờ kém thật", "Văn hóa không phù hợp", "Sản phẩm không có giá trị về mặt âm nhạc, sáng tạo văn hóa lẫn sự giải trí nhân văn đều không có"… Nhiều khán giả băn khoăn, đặt câu hỏi cần quản lý như thế nào để không có những ca khúc phản cảm, dung tục, tránh tình trạng những sản phẩm như vậy ra đời rồi mới ngăn cản?
"Làm thế nào để hoạt động nghệ thuật biểu diễn vẫn sôi động mà vẫn phát huy sự sáng tạo của người nghệ sĩ nhưng không bị ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục. Trong thời gian qua, ngoài việc kiểm tra giám sát, chúng tôi đã có tăng cường quản lý, thậm chí xử phạt hành chính đối với các sản phẩm văn hóa nghệ thuật gây sự phản cảm, vi phạm quy định về nghệ thuật biểu diễn. Song hành với giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng cũng phải tạo điều kiện cho người nghệ sĩ phát triển một cách tốt nhất", ông Trần Hướng Dương – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho hay.
Là người có nhiều năm làm nghệ thuật, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng các sản phẩm âm nhạc cần mang tới những giá trị tích cực đến người nghe. "Mỗi bài hát là một bài thơ có giai điệu. Nếu vậy thì ngôn từ phải đẹp, có vần điệu. Bên cạnh viết bài hát cho mọi người nghe giải trí thì tôi còn phải viết một bài hát có câu từ đẹp, ý nghĩa đẹp, để những điều đó mang đến giá trị tích cực đến mọi người", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.
Đem tới những sản phẩm âm nhạc chất lượng, truyền năng lượng tích cực cho cuộc sống, xã hội, đây là mong muốn chung của các nghệ sĩ. Với nhạc sĩ, ca sĩ, mỗi sản phẩm âm nhạc là một đứa con tinh thần và ai cũng mong nó khỏe mạnh, đẹp đẽ thay bị cấm xuất hiện, xử phạt bởi cơ quan quản lý, thậm chí bị cộng đồng tẩy chay.
Đối với người lớn, khi bộ lọc đủ mạnh thì sẽ biết tự chọn sản phẩm phù hợp, ít bị ảnh hưởng bởi các nội dung thiếu lành mạnh. Tuy nhiên, với trẻ em có tâm hồn và nhận thức non nớt, việc đặt ra giới hạn độ tuổi sẽ giúp bảo vệ các em khỏi các sản phẩm không phù hợp. Đối với nghệ sĩ, việc dán nhãn cũng góp phần giúp họ bộc lộ sức sáng tạo của mình.
Việc dán nhãn giới hạn độ tuổi không phải quá mới mẻ ở Việt Nam. Nhiều ca khúc được nghệ sĩ dán nhãn như Người lạ ơi, Nước chảy hoa trôi… Mục đích chính là để bảo vệ trẻ em.
"Việc dán nhãn sản phẩm là điều nên làm, bởi khi phân định được mác sản phẩm sẽ giúp khán giả nhận định sản phẩm nào phù hợp với mảng mình muốn tiếp cận. Vì thế, người nghệ sĩ cũng có thể mở rộng ra hơn các vấn đề nhạy cảm", ca sĩ Đinh Mạnh Ninh chia sẻ.
Không chỉ dán nhãn sản phẩm, điều quan trọng hơn là trình độ và ý thức của các nghệ sĩ. Sau khi Cục Nghệ thuật biểu diễn xử phạt các ca khúc phản cảm, có nhiều cải thiện. Khán giả đang nắm trong tay quyền lực lớn, đó là không xem, không nghe và không chia sẻ. Khi ấy, những sản phẩm âm nhạc có nội dung nhảm nhí, độc hại sẽ không còn đất sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!