Thăng Long - Hà Nội qua dòng chảy của thời gian luôn là nơi hội tụ tinh hoa, sức mạnh của dân tộc. Với niềm tự hào ấy, cùng với vị thế của thủ đô, trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế của cả nước, vấn đề xây dựng văn hóa, phẩm chất con người thanh lịch, văn minh luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân coi trọng.
Vốn là đất kinh kì, Hà Nội xưa nay là nơi tụ hội của bốn phương. Người từ mọi vùng miền đến đây, sinh sống, làm ăn, học tập, mang theo những nét hay nét đẹp của quê hương mình. Những nét đẹp đó, theo sự gạn lọc của thời gian, hình thành nên nét đẹp trong văn hóa và ứng xử của người Hà Nội hôm nay.
Là nơi lắng hồn núi sông, Hà Nội không ngừng đẩy mạnh giao lưu văn hóa vùng miền và hội nhập văn hóa quốc tế. Làm thế nào để nét thanh lịch không bị phôi phai là điều khiến nhiều người Hà Nội trăn trở. Trước những yêu cầu ngày càng cao trong quá trình xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, cùng với kế hoạch tổ chức triển khai đến các địa phương. Chỉ thị nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở sao cho thực chất và hiệu quả.
"Đã có tầng lớp tinh hoa mới đã xuất hiện. Tôi hy vọng sự hòa nhập của các tinh hoa vùng miền tập trung ở đây, hòa nhập vào với nhau sẽ trở thành một nền văn hóa mới cho Hà Nội", nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ.
Bước ra khỏi cánh cửa phòng sinh hoạt cộng đồng, trở về với gia đình, những người ông, người bà này lại trở thành hạt nhân xây dựng nên những gia đình văn hóa, hướng con cháu của mình đến với phẩm chất tốt đẹp của người Hà Nội mới, cho dù họ có thể đến từ các vùng miền khác nhau.
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Người ta thường nói một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa... Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng". Để xây dựng văn hóa con người Hà Nội, thì việc vun đắp môi trường văn hóa trong mỗi gia đình được đánh giá là quan trọng nhất.
Bên cạnh những giá trị truyền thống của gia đình như hiếu thảo, hòa thuận, thủy chung, thời nay, nhiều giá trị mới được bổ sung như tiến bộ, văn minh, bình đẳng. Mô hình gia đình có thể thay đổi nhưng gia đình luôn là điểm tựa tinh thần, khởi nguồn nuôi dưỡng đạo đức cho mỗi con người, trở thành nền tảng để hình thành nhân cách thế hệ trẻ Thủ đô thanh lịch, văn minh.
Ngoài gia đình, một trụ cột khác của xây dựng văn hóa con người Hà Nội là nhà trường. Bộ Tài liệu học tập xây dựng con người văn minh, thanh lịch được đưa vào giảng dạy trong nhà trường nhiều năm học gần đây. Các nhà trường đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp đạo đức lối sống cho thế hệ tương lai. Xây dựng văn hóa con người Hà Nội cũng chính là xây dựng lối sống đô thị. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, hòa quyện giữa nét thanh lịch cổ truyền và văn minh hiện đại không phải là chuyện có thể thực hiện trong một sớm một chiều mà cần sự chung tay của từng công dân, những mảnh ghép làm nên hơi thở, sức sống của mảnh đất này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!