Hiện nay, một số loại hình nhạc cụ truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một do rất ít người còn biết đến cách chế tác, sử dụng các nhạc cụ này. Những người nắm giữ bí quyết chế tác các loại nhạc cụ đã hiếm hoi mà tuổi tác, sức khỏe lại ngày già yếu. Việc đào tạo các nghệ sĩ, nghệ nhân yêu, biết trình diễn nhạc cụ dân tộc còn hạn chế, chưa bài bản, chưa được cơ quan quản lý chú trọng đầu tư. Nhiều nghệ nhân cao tuổi luôn đau đáu với việc truyền dạy lại các vốn quý của dân tộc cho thế hệ trẻ kế cận.
Ngoài cố gắng của chính các cộng đồng, các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn, sức sống của nhạc cụ truyền thống còn được thể hiện mạnh mẽ trong quá trình ứng dụng sáng tác, hội nhập quốc tế để khẳng định dấu ấn riêng của văn hóa Việt Nam.
"Điều hay là nhạc cụ truyền thống Việt Nam ra đời từ cuộc sống. Chính vì lẽ đó, nó luôn đổi mới, vì thời cuộc thay đổi thì hành động thay đổi, tiết tấu âm nhạc cũng thay đổi. Khán giả hôm nay thưởng thức âm nhạc khác ngày xưa. Âm nhạc Việt Nam rất năng động và linh hoạt. Đàn bầu, tiêu, sáo, trống… những điều tinh túy của nghệ thuật Việt Nam hòa vào dàn âm nhạc của thế giới, đó là điều bình thường. Quan trọng là hòa âm phối khí, các nhạc sĩ sáng tác ra sao. Những nhạc sĩ hiện nay có thương hiệu và vị trí trong làng sáng tác đa số lấy chất liệu âm nhạc truyền thống", TS. NSƯT Lê Tuấn Cường – Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ.
Âm nhạc cũng như các loại hình nghệ thuật khác là để cảm, không phải để hiểu nên càng được nghe nhiều, cảm nhiều thì thẩm mỹ càng được bồi đắp tự nhiên, qua đó bồi đắp tình yêu quê hương đất nước. Đầu tư cho âm nhạc truyền thống cần phải phát huy và đổi mới hơn nữa. Điều đó cần tới các nhà hoạch định chính sách có tầm nhìn lớn, cái tâm thiết tha với cội nguồn văn hóa dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!