Gạn đục khơi trong tập tục đồng bào dân tộc thiểu số

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 19/04/2023 12:59 GMT+7

VTV.vn - Chương trình Góc nhìn văn hóa phát sóng ngày 19/4 có chủ đề "Gạn đục khơi trong tập tục đồng bào".

Tại nhiều vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay, bên cạnh những nét đẹp trong văn hóa truyền thống, vẫn còn tồn tại không ít phong tục tập quán lạc hậu. Không chỉ tạo ra hình ảnh xấu trong đời sống văn hóa, những hủ tục này còn là rào cản kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương. Chính vì thế, gạn đục khơi trong, loại bỏ những tập tục không còn phù hợp với văn hóa, cuộc sống văn minh, phát huy giá trị của những phong tục đẹp là một yêu cầu bức thiết được đặt ra hiện nay.

Phong tục tập quán của mỗi tộc người ra đời và tồn tại cùng với sự phát triển của tộc người ấy. Mỗi phong tục ứng với một điều kiện nhất định, điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường, mối quan hệ với các tộc người khác. Tuy nhiên, qua thời gian, sự phát triển của cuộc sống, nhiều điều kiện thay đổi, một vài phong tục không còn phù hợp và đã trở nên lạc hậu.

"Những phong tục như vậy làm cho một số bộ phận văn hóa bị biến dạng, không còn tính trong sáng, hồn nhiên như ban đầu nữa. Những thế hệ đi sau không hiểu đâu là nguyên bản, đâu là gốc tốt ban đầu, chỉ tiếp nhận những phần lệch lạc. Không chuẩn về văn hóa sẽ tạo ra sự bất ổn cho xã hội, cho tâm lý của những người sống trong cộng đồng cư dân ấy. Những điều không phù hợp càng củng cố thêm suy nghĩ thiếu thiện cảm, suy nghĩ mang tính chất áp đặt của một bộ phận cư dân thuộc vùng khác, các tộc người khác đối với cộng đồng cư dân đang lưu giữ phong tục, tập quán đó", PGS.TS Bùi Xuân Đính – Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc – cho biết.

Với quyết tâm xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn minh trong cộng đồng các dân tộc, tỉnh Hà Giang – một địa phương miền núi với 90% dân số là người dân tộc thiểu số - đã ban hành một Nghị quyết chuyên đề, đi kèm với những giải pháp và cách làm cụ thể. Đến nay, Nghị quyết đã và đang được lan tỏa, góp phần xóa bỏ nhiều hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu trên những bản làng của Hà Giang.

Trang phục, bài khèn, điệu múa hay ngôn ngữ… là những giá trị mang bản sắc độc đáo của mỗi dân tộc. Vì thế, yêu và hiểu văn hóa, thế hệ sau mới có thể bảo vệ hồn cốt dân tộc mình. Trong quá trình gạn đục khơi trong, loại bỏ những phong tục không còn phù hợp với văn hóa luôn đi cùng với phát huy giá trị của những phong tục tốt đẹp.

"Phải có sự trao đổi, bàn bạc kỹ với từng cộng đồng cư dân, không thể lấy quan điểm của nhà nghiên cứu hoặc của người ngoài cộng đồng mà đề ra các biện pháp. Từng cộng đồng cư dân phải thảo luận để lập ra các thỏa ước khi tiến hành các phong tục tập quán", PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết.

Theo các chuyên gia, cộng đồng các tộc người đóng vai trò rất quan trọng trong việc gạn đục khơi trong các phong tục tập quán, xây dựng nếp sống mới tốt đẹp.

Khám phá văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ 19 - 20 Khám phá văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ 19 - 20

VTV.vn - "Tập tục đời người (Văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ 19 - 20)" là cuốn sách mới nhất của tác giả - nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước