‘ Biểu diễn đầy ngẫu hứng của Musbaba (Mali) - Ảnh: Tiến Long |
|
Sự bùng nổ đã xuất hiện vào đêm thứ ba (15-4) khi Deep Blue - ban nhạc từng giật giải thưởng Drover 2009 dành cho ban nhạc được khán giả yêu thích nhất nước Úc - đã kích hoạt vào “ngòi nổ” vốn luôn được giấu kín của khán giả Huế (và nói rộng ra là khán giả Việt).
Các nghệ sĩ vừa đi cà kheo vừa kéo violon, họ tung hứng với nhau tạo thành một biển âm thanh đầy mê hoặc, sai khiến người nghe.
Khoảng sân được thiết kế với ý đồ dành cho khán giả nhảy múa giờ đã lôi kéo một đám đông náo nhiệt. Không chỉ giới trẻ, người trung niên cũng tham gia nhún nhảy, òa reo đầy phấn khích. Như được tiếp lửa, các nghệ sĩ bỏ sân khấu, nhảy xuống bãi cỏ hòa vào khán giả.
Cao hứng, một nữ nghệ sĩ mang violon trèo lên khán đài chơi một bản nhạc ngẫu hứng ngây ngất. Đám đông hát hò nhảy múa mở màn cho một đêm bùng cháy, kéo dài cho đến chương trình tiếp theo của hai nhóm nhạc Việt là Năm Dòng Kẻ và Cỏ Lạ, và kết thúc bằng cao trào của nhóm Stoffer & Maskinen, ban nhạc Đan Mạch với thể loại pop lãng mạn của vùng Scandinavia (Bắc Âu).
Những đêm tiếp theo, khán giả kéo đến chật kín khán đài và cả những khoảng trống quanh sân khấu. Đêm 16-4, nhóm nhạc châu Phi Musbaba đến từ Mali, không những hút hồn khán giả bằng các giai điệu hoang dã được tấu lên bởi các nhạc cụ truyền thống của Mali, mà còn bởi sự thân thiện và cháy hết mình của các nghệ sĩ da đen bốc lửa.
Chương trình kết thúc nhưng khán giả vẫn: “Bis, bis, chơi thêm bài nữa”. Và các anh chàng chịu chơi này sẵn sàng “cháy rụi” theo khán giả. Đám đông gào lên: “Thank you, I love you”. Lê Thành Đạt, 23 tuổi, người Huế, đã có mặt tại nhạc hội điện tử này từ đêm đầu tiên, cho rằng khán giả Huế cũng rất “máu” với nhạc điện tử nhưng họ vẫn chưa dám tự mình bùng nổ nếu như các nghệ sĩ không giúp họ kích hoạt “ngòi nổ”.
Bằng chứng là chương trình Rock Storm năm nào cũng “cháy rực” giữa mùa đông Huế lạnh buốt, khiến cho nhạc sĩ Quốc Trung phải thốt lên: “Bão rock đổ bộ Huế là đúng rồi!”.
Đêm 18-4, khán giả lại bị “lên đồng” bởi nhóm nhạc Tararam đến từ Israel với những nhạc cụ quái lạ là những thứ vật dụng phế liệu: máy cưa, thùng sắt đựng dầu, bàn lau nhà, muỗng...
Thậm chí, có tiết mục đơn giản chỉ là màn độc diễn bằng tiếng vỗ tay và giậm chân của nghệ sĩ. Giữa buổi diễn, nhóm nhạc ngẫu hứng mời khán giả lên sân khấu cùng... gõ. Từ khán đài, khán giả Trần Sơn (Hà Nội) lên sân khấu, và thật bất ngờ ông Sơn đã biểu diễn như một nghệ sĩ thực thụ trong tiếng vỗ tay, reo hò của các nghệ sĩ.
Ông Sơn nói nghệ sĩ từ năm châu kỳ công “mang lửa” đến đây thì tại sao mình không “cháy” với họ cho hết mình. Lần thứ ba liên tiếp đến Festival Huế, ông Sơn cảm nhận càng ngày khán giả càng chủ động, biết cách hòa mình chơi với nghệ sĩ. “Khi đứng trên sân khấu nhìn xuống, tôi mới biết nghệ sĩ rất cần khán giả ngồi dưới cũng phải như là những nghệ sĩ”, ông Sơn chia sẻ.
Nhạc hội điện tử kết thúc vào đêm 19-4 với một cuộc hội tụ mang tên “Rock Heritage” của các ban nhạc rock nổi tiếng VN: Bức Tường, Microwave, Ngũ Cung và Oringchains.
‘ Khán giả Trần Sơn hào hứng biểu diễn cùng nhóm vũ nhạc Tararam (Israel) tối 17-4 tại cung An Định - Ảnh: Tiến Long |
|
‘ Nghệ sĩ nhóm nhạc Musbaba (Mali) tập cho khán giả hát những bản nhạc của châu Phih - Ảnh: Tiến Long |
|
‘ Nghệ sĩ nhóm nhạc Musbaba (Mali) tập cho khán giả hát những bản nhạc của châu Phih - Ảnh: Tiến Long |
|
‘ Phần biểu diễn đầy vui nhộn của nhóm nhạc Deep Blue (Úc) - Ảnh: Tiến Long |
|
‘ Cao trào của các nghệ sĩ đến từ Úc - Ảnh: Tiến Long |
|
2 đêm lặng lẽ
Ban tổ chức đã dành hẳn không gian của cung An Định, biệt cung của gia đình vua Khải Định một thời, cho chương trình được dự báo là nóng bỏng này. Không chỉ thế, nhà tổ chức còn dành một khoảng trống ở giữa sân khấu và khán đài cho khán giả nhảy múa. Vậy mà hai đêm diễn đầu tiên (ngày 13 và 14-4), khán giả trên khán đài vẫn thưa thớt. Nhiều khán giả lớn tuổi và cả một số bạn trẻ đã tỏ ra thất vọng với loại nhạc điện tử vốn chỉ nghe trong các vũ trường. Trên sân khấu chỉ có một anh chàng DJ (người chọn lựa và hòa trộn các loại nhạc) làm thao tác điều chỉnh âm thanh. Trên khán đài, khán giả ngồi nghe trong lặng lẽ, dù âm nhạc đã vang dội như vũ trường. Joakim Bouaziz - nghệ sĩ DJ của Pháp, được giới thiệu là “người đã biến âm nhạc điện tử thành một thánh địa” nhờ tài nghệ pha trộn dòng nhạc rock heavy metal, acid techno, disco, chicago house với âm nhạc truyền thống châu Phi và các tác phẩm kinh điển trên thế giới. Nhưng trước sự lặng lẽ của khán giả, anh chàng DJ trẻ trung này cũng... mất lửa. Thậm chí, phần biểu diễn pop điện tử của nữ nghệ sĩ Micachu, một nghệ sĩ hàng đầu của Anh, trong đêm thứ hai của nhạc hội (14-4) đã phải dừng trước 30 phút, bởi khán giả ra về gần hết.