Dương Đức Tâm: "Muốn làm nghề phải học nghề và hiểu rõ được nghề"

N.A-Chủ nhật, ngày 14/08/2011 14:00 GMT+7

“Cái mình theo đuổi là Âm nhạc. Nói nghe có vẻ ghê gớm nhưng mình không theo đuổi thể loại, mà mình làm tất cả thể loại theo cách của mình và sau đó, nếu được khán giả tiếp nhận sẽ là một động viên lớn” – Dương Đức Tâm.

Câu chuyện của những người trẻ luôn thú vị vì trong những câu chuyện của họ - nhiều hoặc ít - chúng ta thấy được sự đam mê và những nỗ lực để được đi, được sống với đam mê tới cùng. Câu chuyện của Dương Đức Tâm – tác giả của ca khúc “Con sâu”, ca khúc xuất hiện tại liveshow Bài hát Việt tháng 8, cũng là một câu chuyện như vậy.
Nếu bạn gặp Dương Đức Tâm ở ngoài thì có lẽ đó không phải một nhân vật tạo cho bạn nhiều sự thúc đẩy, mong muốn nói chuyện vì Tâm là một người tương đối trầm lặng, không hoạt náo. Tâm chỉ thực sự cởi mở và nói nhiều trong những mối quan hệ đã có sự gắn bó lâu dài. Giống như cách Tâm tự giới thiệu về mình: “Tâm là một người chơi bass nên chắc tính người cũng giống như nhạc cụ mình chọn – trầm tính, ít nói…”.
“Âm nhạc định hình rõ hơn khi tất cả những hoạt động xung quanh mờ đi…”
“Để thưởng cho việc mình thi được vào lớp chuyên Anh trường cấp 2, mặc dù là ở vị trí 90/90, bố đã mua cho mình một cây guitar và dạy cho mình 3 hợp âm. Phần nhiều thời gian là mình tự luyện tập và đó là khởi đầu quan trọng” – Dương Đức Tâm bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng câu chuyện mình đã làm quen với âm nhạc như thế nào. Đây cũng là câu chuyện mà tác giả trẻ 23 tuổi này cảm thấy cởi mở và muốn nói về nó hơn cả. Vì ngoài âm nhạc, Tâm cho biết thật khó để nói về những vấn đề khác.
“Đến với âm nhạc kể ra thì dài, chả biết nói từ đâu nữa. Nhưng có lẽ âm nhạc định hình rõ hơn trong mình khi tất cả những hoạt động xung quanh mờ đi. Rồi mình tham gia văn nghệ…”.
Gia đình ủng hộ việc Tâm theo nhạc không?
- Tất nhiên không. Ông nội mình là dược sĩ, bố mình cũng là dược sĩ và mẹ thì là cán sự điều dưỡng. Ở nhà mình, tiêu chí lớn trong việc chọn lựa ngành nghề là "nhất Y nhì Dược tạm được Bách khoa". Bởi vậy, đã rất nhiều lần mình đã bị giấu cây đàn và phần thưởng là muốn được cầm đàn lại thì phải ngoan. Tới thời gian quyết định thi Đại học, mình nhắm không học được Dược nên quyết định thi Kinh tế. Nhưng học 2 năm thì lúc đó âm nhạc chiếm hết thời gian (đi làm) thế là nghỉ trường Đại học Kinh tế thi qua Nhạc viện.
Phản ứng của bố mẹ lúc đó như thế nào?
- Không hài lòng, không cho mình học. Đúng thời điểm đó chú mình định bảo lãnh cho mình sang Canada để học và sống tại Canada, nhưng để hoàn thành thì phải có ít nhất một bằng nghề. Thế là bố mẹ bảo học dược tá (1 năm) rồi sẽ cho học nhạc. Vậy là mình học, có luôn bằng Dược tá để ở nhà cho bố mẹ làm kỉ niệm rồi lại chơi nhạc.
Vậy mọi chuyện đã thay đổi với Tâm như thế nào?
- Mọi chuyện thay đổi khi mình gặp anh Tâm (nhạc sĩ Thanh Tâm), lúc đó con đường âm nhạc mới mở ra, lúc đó mới quyết định ở lại Việt Nam không đi Canada nữa. Vì qua Canada phải học lại từ đầu và đầu tư 10 năm cho việc học, vả lại còn là ngành dầu khí - công việc duy nhất ở nơi chú mình sống.
Sau một năm ngồi cà phê, trao đổi về cách sống và làm việc với anh Tâm thì mới bắt đầu vào việc nghiêm túc. Bài thu đầu tiên là Bát cơm mẹ của tác giả Huy Trực và món quà cho sự nỗ lực cố gắng đó là bài hát được giải Bài hát được khán giả yêu thích của năm.
Cho tới bây giờ có khi nào bạn - trong một lúc nào đó- hoài nghi về sự lựa chọn của mình với âm nhạc?
- Cách đây 3 năm thì có, đó là lúc mình không biết mình đang phải làm gì. Có thể nói, mình được cái may mắn là có năng khiếu âm nhạc nhưng làm cái gì để sống? 4 năm trước còn suy nghĩ là đậu Đại học, làm việc văn phòng rồi nuôi đam mê âm nhạc. Rồi bỏ Đại học nên cảm thấy chông chênh lắm. Nhưng đến bây giờ thì không phải hết hoài nghi, vẫn lo nhưng vơi bớt đi rồi. Vì mình hiểu được nếu muốn làm nghề phải học nghề và hiểu rõ được nghề, từ đó mới sống được với nghề. Mình tìm tòi, cái gì không biết thì nhờ anh Tâm chỉ. Tập chuyên môn để có một nền tảng nhất định, cần thiết.
Mình đã bỏ 2 năm không làm gì ngoài chăm cho chuyên môn và kiến thức nên giờ thì đã đỡ hơn rồi. Chung quy âm nhạc vẫn là thứ mình lựa chọn. Mình có hồ nghi là mình chọn đúng hay không nhưng mình biết mình đang làm rất nghiêm túc, đầu tư kĩ lưỡng cho chuyên môn, kiến thức và mình tin là mình không chọn nhầm.
Hướng đến âm nhạc chuyên nghiệp
Âm nhạc - điện ảnh hay nghệ thuật nói chung nó gắn với sự nổi tiếng, danh vọng, hào
quang... nên thật khó tin khi một ai đó làm nghệ thuật và tách bạch được 2 thứ này. Nghĩa là chỉ muốn làm nghệ thuật và không quan tâm tới sự nổi tiếng, chỉ cần được làm công việc mà mình yêu. Dương Đức Tâm thì như thế nào?
- Đúng là 2 thứ đó kiểu như bổ sung nhau, anh giỏi cách mấy nếu không cho người biết thì cũng chỉ mỗi cái nhà mình biết. Nhưng nếu anh nổi cách mấy, mà không giỏi thì không được tôn trọng. Đối với mình, mình muốn mọi người biết đến sản phẩm của mình, tất nhiên sản phẩm đó đã được đầu tư kĩ lưỡng về nhiều mặt và muốn một số người nào đó đồng cảm với sản phẩm, thích sản phẩm đó chứ không có nghĩa mình làm ra sản phẩm để mình nổi tiếng
Nghĩa là với Tâm quan trọng là sự chia sẻ?
- Đúng! Bất kì một bài nhạc nào thì phải có nội dung và muốn được khán giả chia sẻ cùng.
Nhưng theo tính hệ quả, từ chia sẻ → sự yêu thích → được phổ biến, lan rộng → nổi tiếng!?
- Đối với mình chỉ dừng lại ở bước thứ 2 là quá đủ. Mình là người chơi nhạc nên hướng vào chuyên môn và nội tâm rất nhiều. Mình cần sự đồng cảm từ phía người nghe với tác phẩm của mình, là điều mình muốn khi người nghe nghe nhạc của mình.
Vậy mục tiêu của bạn với âm nhạc là gì?
- Mục tiêu của mình là hướng tới âm nhạc chuyên nghiệp, người chơi nhạc chuyên nghiệp với sự tìm hiểu, luyện tập và làm việc nghiêm túc. Làm việc với anh Tâm và ekip để tạo ra những sản phẩm tốt cho âm nhạc của mình nói riêng và nền âm nhạc Việt Nam nói chung. Mình không muốn hai tay ôm hết cả nắm đũa nhưng ít ra, phải làm thay đổi một phần trong cách nhìn của khán giả. Âm nhạc không đơn giản là đi hát karaoke mà cần phải qua đào tạo, luyện tập nghiêm túc.
Hướng tới âm nhạc chuyên nghiệp khó khăn như thế nào với thị trường âm nhạc Việt Nam bây giờ?
- Cái khó là khán giả quá dễ dãi chấp nhận những điều mà chưa chắc được gọi là "âm nhạc".
Một người trẻ làm về âm nhạc thì ưu điểm là gì?
- Nhiệt huyết của họ và họ sẵn sàng chuột bạch rất nhiều để ra cho ra bằng được cái họ cần. Ý mình nói là sản phẩm chứ không phải là bản thân. Tiếp thu, lắng nghe và tích cực.
Vậy điểm không phải là ưu?
- Mình không xét đến những anh chị khác, riêng mình khuyết là rất ngại nói, nhát, sợ, sợ sẽ không được, sợ này sợ nó, sợ vấp, sợ nản… Nhưng không sao, mình đã hết mình và nếu không được thì đó là một kinh nghiệm vì ưu điểm của mình là còn trẻ mà.
Bài hát không phải là "chuột bạch"...
Bây giờ chúng ta sẽ nói đến một vấn đề nhỏ hơn, vì mọi vấn đề lớn đều bắt đầu từ những vấn đề nhỏ. Sáng tác ca khúc có phải là một thử nghiệm đối với Tâm?
- Mỗi một bài đều là một thử nghiệm mới nhưng thử nghiệm dựa trên quy chuẩn, kiến thức chắt lọc chứ không phải bài hát của mình là chuột bạch.
“Con sâu" của bạn thì như thế nào? Đã có bao nhiêu sự thử nghiệm trước khi nó chính thức được giới thiệu tới khán giả?
- Trước khi con sâu cuối cùng ra đời thì đã có 3 con chuột bạch (cười). Sau 3 lần sửa chữa, thử nghiệm thì mới thành một con sâu hoàn chỉnh như khán giả sẽ được nghe tại Bài hát Việt.
Hơi tò mò một chút, tại sao lại là "Con sâu"?
- Mình hay đọc báo mạng buổi sáng, một lần đọc báo thấy một mẩu truyện hay lắm. Đó là một cậu bé thấy sâu trong kén, phải sau bao nhiêu ngày đó sâu mới ngọ nguậy chui ra và hóa bướm và lại thấy một con khác đang ngọ nguậy. Cậu bé nghĩ sao đó mới cắt kén để sâu chui ra sớm. Con sâu chui ra và cũng hóa bướm, cũng có cánh, nhưng không bay được, vì do thiếu quá trình khởi động giúp 2 cánh đủ khỏe. Qua hình ảnh đó, câu chuyện đó mình muốn tự nhắc chính mình nhớ mọi thứ phải có quá trình, phải có thời gian cố gắng, không thể gấp gáp để hỏng việc.
Mình nghĩ những con vật dễ thương khác thì mọi người cũng viết nhiều rồi, nhưng quan trọng là mình thấy đây là câu chuyện hay và tính hình ảnh của nó rất cao. Có nhiều bài học ẩn chứa qua hình ảnh đó.
Điều bạn mong muốn ở Bài hát Việt lần này - khi lần đầu tiên xuất hiện tại chương trình này trong vai trò của một tác giả?
- Có lẽ khán giả đã nhìn thấy mình nhiều lần trên sân khấu Bài hát Việt, trong vai trò người chơi bass, đệm đàn cho các ca khúc. Thú thực thì lúc đầu mình cũng rất ngại, vì mình gần như nằm trong ê-kíp thực hiện chương trình, gửi bài dự thi thấy nó cũng hơi kỳ kỳ. Nhưng sau được các anh chị động viên nên mình cũng gửi ca khúc tham gia.
Điều mình mong muốn khi ca khúc này xuất hiện trên sân khấu BHV chỉ đơn giản là một sự chia sẻ. Nói là để nhắc nhở mình thì cá nhân quá, nhắc người khác thì lại càng không phải là âm nhạc và là điều mình muốn làm. Mình chỉ muốn khán giả nghe, cảm nhận và chia sẻ... đó là điều mình thích trong âm nhạc.
Cảm ơn Tâm về cuộc trò chuyện!
Tin - bài liên quan:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước