Điệu múa ngàn tuổi và sự đau đáu của người giữ màu văn hóa

Ngọc Thụy - Đức Huy-Thứ hai, ngày 26/04/2021 15:00 GMT+7

Các vũ công thực hiện điệu múa "Con đĩ đánh Bồng"

VTV.vn - Mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nét phồn thực tạo nên sự khác biệt cho điệu múa Bồng vẫn được truyền lại cho các thế hệ sau trong làng Triều Khúc, Hà Nội.

Cách trung tâm TP. Hà Nội 10km về hướng Tây - Nam, ngôi làng Triều Khúc, nơi khởi nguồn của điệu múa ngàn tuổi "Con đĩ đánh Bồng" hiện ra với những mái đình rêu phong. Mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhưng nét phồn thực tạo nên sự khác biệt cho điệu múa Bồng tại đây vẫn được truyền lại cho các thế hệ sau trong làng.

"Con đĩ đánh Bồng"

Theo người dân kể lại, từ thế kỷ thứ 8, sau khi đánh thắng quân xâm lược từ phương Bắc, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đã mở tiệc khao quân tại làng Triều Khúc (nay thuộc huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội). Vì trong doanh trại không được phép có con gái, nên vua Phùng Hưng đã cho nam đóng giả nữ để múa khích lệ quân sĩ sau khi đánh trận trở về.

Những vũ công trang điểm như con gái, mặc yếm và đội khăn mỏ quạ, phía trước đeo một cái trống Bồng. Đây là một loại nhạc cụ có từ lâu đời của dân cư đồng bằng Bắc Bộ. Thân trống làm bằng gỗ dài chừng 40cm, hai đầu làm bằng da được căng ra. Tiếng trống trong trẻo, vang, nghe rất vui tai. Vừa múa, họ vừa đánh trống đưa ánh mắt lả lơi liếc nhìn quân sĩ.

Cho đến nay, các thế hệ trong làng Triều Khúc vẫn truyền cho nhau điệu múa cổ này. Vì những đặc trưng của điệu múa nên những chàng trai trong làng vẫn còn e dè. "Lúc đầu mình chỉ tập theo ông thôi, nhưng mình tập ở những nơi rất kín. Mình sợ bị các bạn đồng trang lứa giễu nhại khi biết mình giả gái múa may như này", anh Bùi Văn Hảo, cháu của nghệ nhân múa Bồng Triệu Đình Hồng chia sẻ. Đến nay đã 10 năm anh Hảo theo đuổi điệu múa cổ này, vì mọi người đã có cái nhìn thoáng hơn nên anh đã công khai về đam mê của bản thân.

Điệu múa ngàn tuổi và sự đau đáu của người giữ màu văn hóa - Ảnh 1.

Mọi người đang chuẩn bị cho màn biểu diễn

Khác với điệu múa Bồng ở hội Đình Nhật Tân (Tây Hồ), hội đền Đông Nhân (Hai Bà Trưng) hay hội thi nấu cơm Lương Quy (Đông Anh), múa Bồng ở Triều Khúc luôn giữ điệu lả lơi, tình tứ. Từ sắp xếp đội hình cho đến cách di chuyển, mọi thứ đều phỏng theo hình tròn và hình vuông. Hình tròn tượng trưng cho trời và hình vuông tượng trưng cho đất. Các vũ công tươi cười rạng rỡ, khi thì sánh đôi quấn quýt, khi thì tách rời nhưng luôn ở trên đường thẳng điểm song song để nương tựa lấy nhau. Theo ông Nguyễn Duy Huệ, một người nghiên cứu nhiều năm về múa Bồng tại làng Triều khúc cho biết: "Chính những đặc điểm trên đã gợi nên tính dục và từ đó tạo nên nét đẹp phồn thực trong điệu múa Bồng mà chỉ có ở làng Triều Khúc".

Nỗi đau đáu của những người giữ hồn điệu múa cổ

Điệu múa Bồng đòi hỏi rất nhiều ở người vũ công, từ ngoại hình cho đến sự kiên trì tập luyện. Theo quan sát, phần lớn những vũ công múa Bồng ở làng Triều Khúc đều có một đặc điểm chung là khóe mắt sâu. Đôi mắt sáng lấp lánh, đen tuyền. Da họ hồng hào. Khuôn miệng của họ khi cười rất đa tình. Trong lúc múa, đôi mắt của họ lúc thì nhìn đối phương, lúc thì liếc với khán giả.

Chính vì những đòi hỏi trên mà việc truyền lại điệu múa cổ này trở nên khó khăn, không phải ai cũng có thể học được hay thích gắn bó lâu dài. Mặc dù múa Bồng đã được đưa vào trường học trên địa bàn để trở thành hoạt động ngoại khóa, thành lập CLB múa Bồng, nhưng việc gìn giữ nét đẹp văn hóa này vẫn còn là một trăn trở.

Anh Nguyễn Văn Tuyển, Phó chủ nhiệm CLB múa Bồng tại làng Triều Khúc chia sẻ: "Chúng tôi đã vận động nhiều thanh niên trong làng tham gia học múa Bồng, nhưng được vài buổi các bạn lại bỏ vì bị người khác nhìn thấy đang giả gái và múa". Chỉ vì bị người khác giễu nhại các dáng điệu lả lơi, nhiều người trẻ đã xa rời loại hình nghệ thuật dân gian này.

Tại nhiều địa phương như Nhật Tân, Hai Bà Trương, hay một số địa bàn tại tỉnh Hưng Yên, điệu múa "Con đĩ đánh Bồng" đã không còn nữa. Các lễ hội của làng tổ chức ra không thu hút như ngày xưa, bởi con người hiện đại bị tách khỏi văn hóa làng xã để đến với guồng quay công việc. Do vậy, việc gìn giữ được điệu múa cổ này là cả một quá trình cố gắng.

Điệu múa ngàn tuổi và sự đau đáu của người giữ màu văn hóa - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Triệu Đình Hồng, người gắn bó lâu năm với múa Bồng

Người có công lớn nhất trong việc bảo tồn và phát huy múa Bồng tại làng Triều Khúc là nghệ sĩ Triệu Đình Hồng. Vì gắn bó lâu năm với loại hình nghệ thuật dân gian này, nên dân làng mới có câu vè :"Thân giai làm đĩ dánh Bồng/ Làng này còn mỗi tay Hồng đấy thôi…". Khi tôi đến thăm nhà ông Hồng, ngay lập tức ông niềm nở đón tiếp. Khuôn mặt ông luôn đăm chiêu và nghiêm nghị. Nhưng nét đẹp của một vũ công múa Bồng vẫn không hề phai dấu: Đôi mắt sáng, đen, khóe mắt sâu. Ông vẫn nhớ từng bước di chuyển của điệu múa. Khi ông đưa tay lên, mắt ông ngước theo. Mặc dù tôi sợ sức khỏe của ông không còn được như trước nên chỉ dám ngồi cạnh và nói chuyện, nhưng ông vẫn nhất quyết múa và chỉ dạy cho tôi.

Căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi tiếng nói của ông. Nhưng khi chỉ cho tôi về điệu múa, ông đã cố nói ra: "Cái tay phải uốn như này". Ngón giữa và ngón cái của ông chạm hờ vào nhau. Ông Hồng như đang biểu diễn thực sự, đôi mắt ông hấp háy, khuôn miệng tươi cười. Khi hòa vào điệu múa cổ, tinh thần ông như chàng trai đôi mươi trong hình hài của một ông lão đã đến tuổi thất thập cổ lai hy. Ông chỉ cho chúng tôi những bức ảnh ông đi diễn và được chụp lại, những tấm bằng chứng nhận. Ông viết lên tờ giấy: "Cảm ơn con đã quan tâm về đến tìm hiểu về múa Bồng". Tôi hiểu trong lòng người nghệ sĩ đấy có biết bao nhiêu trăn trở về tương lai của loại hình dân gian này, nhưng vì sức khỏe ông chỉ có thể đứng dõi theo các cháu tập luyện.

Điệu múa phồn thực se duyên cho lớp trẻ

Điệu múa Bồng giữ được ở Triều Khúc một phần là bởi nó nằm trong nghi lễ dâng hương của làng. Đồng thời, đây cũng là nét đẹp trong văn hóa thu hút nhiều người thập phương và người trẻ trong làng đến xem. Cũng từ đây, một câu chuyện tình yêu giữa một cô gái trẻ và một chàng vũ công múa Bồng được viết nên.

Từ ngày còn bé, chị Nguyễn Hồng Trang rất yêu thích đi xem múa Bồng ở hội làng. Vì thấy lạ mắt trước những chàng trai giả gái biểu diễn nên chưa có năm nào chị Hồng bỏ xem múa Bồng ở hội làng. Sau đó, chị Hồng đã tham gia đội múa Sênh Tiền của làng. Trong quá trình tập luyện và biểu diễn, chị đã đem lòng mến anh Nguyễn Văn Tuyển, một vũ công múa Bồng. Hai người đến với nhau một cách tự nhiên, biết anh Tuyển là vũ công múa Bồng, chị Hồng càng mến anh hơn. Quen nhau được một thời gian, hai người đã đi đến hôn nhau, sau 10 năm, họ đã có hai người con.

Những ngày tháng sau này, mỗi khi hội làng đến, hai anh chị đi biểu diễn lại nhờ người thân đưa các con ra xem. Nguyễn Tường Vi, người con đầu của hai anh chị, rất thích thú khi thấy ba mẹ biểu diễn. Ở nhà, Vi cũng bắt chước các điệu múa của bố. Anh Tuyển dặn dò Vi rằng: "Sau này con lớn lên, mẹ sẽ dạy con múa Sênh Tiền, còn điệu múa của ba chỉ dành cho con trai thôi". Mặc dù vậy, cô bé vẫn luôn thích được học điệu múa Bồng. Điệu múa ngàn tuổi này không chỉ đơn giản là vũ khúc mang vẻ đẹp phồn thực mà nó còn là điệu múa se chỉ kết đôi cho nam thanh nữ tú trong làng.

Chỉ khi hiểu và tự hào về điệu múa cổ truyền, các thành viên trong CLB múa Bồng mới có thể đón nhận nó. Cao Xuân Phong (người dân làng Triều Khúc, một thành viên trẻ của CLB Múa Bồng) chia sẻ: "Em đến với múa Bồng là nhờ ông Triệu Đình Hồng trong một lần dẫn đội đến trường em tập. Ban đầu em cũng rất ngại vì phải giả gái múa trước mặt các bạn. Nhưng sau đó, các anh bảo em đây là điệu múa cổ của làng, dần dần, em cũng thấy tự hào". Phong là một cậu bé có cái vẻ đẹp của các vũ công múa Bồng. Em luôn cố gắng trong các buổi tập, từ những động tác nhỏ nhất như vươn cánh tay sao cho rộng hơn để điệu múa trở nên phóng khoáng.

Điệu múa ngàn tuổi và sự đau đáu của người giữ màu văn hóa - Ảnh 3.

Một buổi học của CLB múa Bồng

Nhìn những lứa trẻ tiếp nối gót ông cha, trong lòng những vũ công múa Bồng chợt hào hứng hơn. Họ biết rằng, trên hành trình giữ màu văn hóa, họ không đơn độc. Dưới mái đình của làng Triều Khúc, anh Thảo từ từ hướng dẫn cho hai vũ công trẻ trong CLB Múa Bồng. Họ gửi những giấc mơ về múa Bồng vươn ra thế giới vào trong từng bước đi.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước