Điện ảnh Việt Nam năm 2017: Có gì để nhớ?

Theo Báo Lao Động-Chủ nhật, ngày 31/12/2017 18:01 GMT+7

Cảnh phim “12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy”

VTV.vn - Một năm của điện ảnh Việt Nam có khá nhiều câu chuyện, sự kiện đã đi qua, trước mắt là một năm 2018 nhiều thử thách cũng là cơ hội.

Khi điện ảnh Việt vừa phải giải được bài toán doanh thu, đáp ứng nhu cầu công chúng luôn đòi hỏi cao, vừa phải tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sâu sắc, có tiếng vang không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế...

Những cái tên trẻ của thời phim thị trường

LHP Việt Nam lần thứ 20 chứng kiến sự vắng bóng của phim Nhà nước và sự lên ngôi của dòng phim giải trí, thương mại. Số lượng phim Việt tăng dần qua mấy năm gần đây và năm 2017 lên tới gần 60 phim. Tuy nhiên, hầu hết là phim thị trường và cũng không tạo được kỷ lục doanh thu, ngoại trừ một "Em chưa 18" bùng nổ, tạo nên "cơn sốt kinh hoàng" với doanh thu 169 tỉ đồng. Và chính sự thành công phòng vé đã đem lại giải Bông sen Vàng cho phim và giải cá nhân cho nữ diễn viên chính Kaiti Nguyễn.

Cũng trong năm 2017 đánh dấu sự xuất hiện của một loạt cái tên đạo diễn trẻ hứa hẹn đem lại sinh khí mới cho điện ảnh Việt như Lê Thanh Sơn (Em chưa 18), Vũ Ngọc Phượng ("12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy"), Hồng Ánh ("Đảo của dân ngụ cư"), Lý Minh Thắng ("Sài Gòn anh yêu em")… hay đạo diễn Việt kiều về nước làm phim Derek Nguyễn với "Cô hầu gái", tiếp nối cách làm phim thị trường khá bài bản của các đạo diễn Việt kiều trước đó (Charlie Nguyễn, Dustin Nguyễn, Hàm Trần).

Không nghi ngờ gì nữa, phim Việt đang hướng nhiều tới khán giả và để hy vọng thắng doanh thu, các đề tài kinh dị - hài - hành động được ưa chuộng. Vào dịp cuối năm, một dạng đề tài mới về siêu anh hùng và viễn tưởng được đạo diễn Việt kiều Victor Vũ tung ra, "Lôi báo" có thể chưa thỏa mãn những ai kỳ vọng ở Victor Vũ nhưng đó vẫn là một phim chỉn chu, chuyên nghiệp.

Một tín hiệu tích cực là các nhà làm phim tư nhân đã chú ý nhiều tới sự công phá thị trường quốc tế. Phim "12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy" được phát hành tại một số thành phố Mỹ, còn "Giấc mơ Mỹ" được phát hành tại Mỹ và Canada, với các thành phố tập trung đông người Việt, dù tất cả mới chỉ là những bước đi ban đầu nhưng rất đáng khích lệ.

Sự cô đơn của dòng phim nghệ thuật

Phim nghệ thuật hay còn gọi là phim tác giả mang đậm dấu ấn cá nhân, sáng tạo. Một số đạo diễn trẻ có một vài dự án được các quỹ điện ảnh tài trợ, một vài cái tên đạo diễn có tên thì đang âm thầm ấp ủ cho các dự án phim mới.

Trong khi đó, nữ diễn viên Hồng Ánh thể hiện năng lực đạo diễn qua phim dài đầu tay "Đảo của dân ngụ cư". Một phim ẩn chứa nhiều ý tứ của tác giả, từ sự hòa hợp cho đến giải quyết xung đột của những con người trong một quán thịt dê, một xã hội thu nhỏ hay nhìn rộng ra một không gian rộng lớn khác. Tiếc là phim làm chưa tới nên cảm giác vẫn loay hoay trước một cánh cổng không khóa. Trong khi, "Cha cõng con" của Lương Đình Dũng khai thác tính nhân văn trong mối quan hệ gia đình với một kịch bản có tứ hay nhưng lại bị sự áp đặt bởi đạo diễn. Dù cả hai phim này đều đoạt giải tại một số Liên hoan phim quốc tế khác nhau nhưng quả thực nó vẫn chưa làm người xem trong nước "tâm phục, khẩu phục".

Làm phim nghệ thuật đòi hỏi doanh thu cao trong thời đại ngày nay gần như là không tưởng. Nhưng một nền điện ảnh không thể chỉ sống bằng những "Em chưa 18" hay "Cô hầu gái" mà nhất thiết phải có những tác phẩm nghệ thuật ở đẳng cấp cao, thuần Việt để chinh chiến phương xa làm vinh danh cho hai chữ Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới.

Sự hỗ trợ của Quỹ tài năng điện ảnh Việt là hết sức cần thiết nhưng tiếc thay dự án này bao năm trời vẫn không thực hiện được. Và trong bối cảnh đó, các khóa học điện ảnh mang tên "Gặp gỡ mùa thu" diễn ra hằng năm tại Đà Nẵng là sáng kiến của đạo diễn Phan Đăng Di, mời được nhiều "thầy ngoại" có tiếng sang truyền dạy cho các đạo diễn trẻ Việt là khá hiệu quả.

Cổ phần hóa và phim Việt trong "thập diện mai phục"

Câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là đề tài tốn bao giấy mực của báo chí và gây xôn xao trong dư luận trong năm 2017. Không thể định giá thương hiệu một hãng phim có bề dày lịch sử oai hùng bằng 0, dù thực tế những năm gần đây làm ăn thua lỗ.

Không thể để "mảnh đất vàng" của Nhà nước rơi vào tay những ông chủ tư nhân không biết gì về đặc thù công việc của nghệ sĩ, chỉ nhăm nhăm thu lại vốn nhanh nhất. Nhưng bản thân các nghệ sĩ quen làm việc trong cơ chế Nhà nước cũng phải thực sự thay máu, đổi mới triệt để, bước ra khỏi "vũng lầy" an toàn để dấn thân.

Cuộc chiến giữa phim Việt và phim ngoại đang gay go hơn bao giờ hết khi các rạp phim lớn đều nằm trong tay tư nhân. Và phim Việt chiếu rạp nhiều khi bị o ép, chiếu vào giờ không thuận tiện, đến khi kêu mãi may ra mới được cho chiếu giờ vàng. Dĩ nhiên, với tiềm lực tài chính còn khiêm tốn so với các phim "bom tấn" Hollywood, phim Việt khó có cơ hội cạnh tranh vì nhiều lẽ.

Phim Việt cần một chính sách bảo hộ từ Nhà nước, hay cho một cơ chế ưu đãi đặc thù, áp dụng hạn ngạch nhập phim, hạn ngạch chiếu phim nội địa, ưu đãi thuế…

Năm 2018 chờ đợi sự bứt phá thực sự của điện ảnh Việt...

Từ khóa:

em chưa 18

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước