Di tích kêu cứu vì… thiếu tiền

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 27/09/2023 14:03 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ cần có kinh phí, việc trùng tu, bảo tồn di tích cần hạ giải từng phần, cẩn trọng, không thể nhanh mà ẩu.

Tính đến năm 2020, Việt Nam có hơn 41.000 di tích thắng cảnh, trong đó có 4.000 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia, hơn 9.000 được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Với hàng chục nghìn đã được xếp hạng, nhiều vấn đề phát sinh cũng đã xuất hiện. Điều đáng lo ngại nhất là việc xuống cấp.

Nhiều di tích hiện đang xuống cấp nghiêm trọng do không được để mắt tới vì thiếu nguồn kinh phí. Nhưng không ít trường hợp có tiền tu bổ lại trùng tu sai cách. Quá trình đô thị hóa làm méo mó, biến dạng, thậm chí nhiều trường hợp còn phá hủy di sản văn hóa. Ngay trong công cuộc trùng tu di tích, nếu thiếu hiểu biết, trùng tu sai cách hay buông lỏng quản lý cũng có thể để lại hậu quả.

Việc trùng tu, bảo vệ di tích là điều vô cùng quan trọng, để cứu lấy di sản trước khi trở thành phế tích, thậm chí là mất tích. Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa, đánh thức di sản gắn với phát triển kinh tế, xã hội bền vững, nhiều địa phương đã vào cuộc, điển hình như Hà Nội đã dành hơn 14.000 tỷ đồng thực hiện 579 dự án tu bổ thời gian vừa qua, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Con số này lớn hơn hàng chục lần so với các nhiệm kỳ trước đây.

Di tích mang trong mình những giá trị lịch sử quý báu của Việt Nam qua hàng ngàn năm, ghi dấu những dấu ấn nghệ thuật, kiến trúc, điêu khác, kết tinh nhiều giá trị làng nghề truyền thống Việt. Ứng xử với di sản văn hóa thể hiện thái độ của thế hệ sau trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Trùng tu, bảo tồn di tích cần hạ giải từng phần, cẩn trọng, không thể nhanh mà ẩu. Bài học sai lầm trước đây cần được chuyển hóa thành những chuyển biến tích cực trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước