Để hát Xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Quỳnh Anh (Ban Thời sự)-Chủ nhật, ngày 19/11/2017 22:05 GMT+7

VTV.vn - Đưa hát Xoan lan toả trong đời sống từ nếp nhà, trường học đến các liên hoan - đó là nỗ lực của cả chính quyền và cộng đồng, đáp ứng khuyến nghị từ UNESCO.

6 năm trước, hát Xoan Phú Thọ được UNESCO đưa vào danh sách các di sản cần bảo vệ khẩn cấp. Giờ đây, các nghệ nhân cao niên, những người có công phục dựng và trao truyền hát Xoan, đã phần nào an tâm vào thế hệ kế cận. Hơn 300 di tích liên quan đến Hát Xoan, gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tôn tạo, trở thành không gian diễn xướng Xoan.Các phường xoan gốc ở Phú Thọ cũng được thấy sự trỗi dậy của Xoan, lối hát thờ Vua có lịch sử hàng nghìn năm.

Lớp học tại nhà của các cụ ông cụ bà. Góc sân nhỏ mang hạnh phúc lớn cho các nghệ nhân vui tuổi già. Chỉ sau vài năm, 4 phường xoan gốc An Thái, Kim Đái, Phù Đức và phường Thét đã có thêm nhiều thành viên. Từ chỗ chỉ vài người cao tuổi truyền dạy, đến nay đã có hàng trăm người kế tục.

Năm 2011, khi Hát Xoan trở thành di sản cần bảo vệ khẩn cấp, chỉ có 13 câu lạc bộ Hát Xoan và nay con số này là 33, với cả nghìn thành viên. Đưa Xoan lan toả trong đời sống từ nếp nhà, trường học đến các liên hoan - đó là nỗ lực của cả chính quyền và cộng đồng, đáp ứng khuyến nghị từ UNESCO.

Đề án Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2013 vẫn đang được triển khai: thiết lập quỹ bảo tồn xoan, xuất bản tài liệu giáo dục, hỗ trợ nghệ nhân. Tháng 12 tới tại Hàn Quốc, Hát Xoan sẽ được UNESCO xem xét ra khỏi danh sách "cần được bảo vệ khẩn cấp" và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiều khả năng là di sản đầu tiên trên thế giới có sự chuyển đổi đặc biệt này.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước