Năm nay, chương trình Đêm tình nhân 5 nằm trong series chương trình Đêm tình nhân do Phạm Hoàng Giang làm đạo diễn đã cháy vé từ khá sớm, trong bối cảnh các show ca nhạc gặp khó khăn về doanh thu. Anh có công thức nào cho những chương trình cháy vé?
Công thức của tôi đơn giản lắm, có lẽ cũng là công thức chung của mọi người thôi, đó là ĐAM MÊ – TÂM HUYẾT – TỬ TẾ. Tôi luôn tâm niệm khi làm việc, mình phải tập trung dồn hết tâm huyết và trí tuệ vào công việc, mình phải yêu thứ mình làm thì mới mong khán giả yêu được. Khán giả đi nghe nhạc chứ không phải xem nhạc, nên âm nhạc và giọng hát của nghệ sĩ vẫn luôn là điều tôi ưu tiên hàng đầu. May mắn khi tôi được khán giả đặt niềm tin, nên các chương trình đó khi khán giả biết tôi thực hiện thì luôn ủng hộ bằng cách mua vé đi coi vì họ biết tôi làm show tử tế.
Ngoài sự tử tế, có một điều gây băn khoăn là tại sao những chương trình hấp dẫn khán giả hiện nay trên thị trường đều là những chương trình hội tụ các ngôi sao hoặc các ca sĩ đã… có tuổi, là diva, divo mà không phải là ca sĩ trẻ? Anh lý giải ra sao về hiện tượng này?
Tôi nghĩ đơn giản thế này, vì giá vé show ca nhạc thường dành cho người có thu nhập nên hướng vào đối tượng khán giả trưởng thành, cho nên các nhà sản xuất cũng tập trung vào những nghệ sĩ lớn có tên tuổi để phục vụ thượng đế của mình. Nhưng bản thân tôi cũng nhiều tiếc nuối khi thấy nghệ sĩ trẻ đang ra đời mỗi ngày, ồn ào trên gameshow nhưng rồi lần lượt lại sớm không giữ được vị trí, tên tuổi. Ca sĩ trẻ thì nhiều nhưng để kiếm tiền bằng nghề hát thì vẫn đếm trên đầu ngón tay. Cách làm việc của bạn ra sao, sản phẩm, hình ảnh của bạn đến với công chúng như thế nào sẽ khẳng định vị thế của bạn chứ không phải cuộc thi, gameshow kia.
Vậy, nghĩa là anh không thích làm việc với nghệ sĩ trẻ?
Đương nhiên không phải nghệ sĩ trẻ nào cũng như vậy. Nhưng, rõ ràng tôi thấy nghệ sĩ có tuổi và càng có tiếng thì họ càng chỉn chu với phần biểu diễn và có trách nhiệm với phần biểu diễn của mình. Ca sĩ trẻ thì luôn năng động và nhiều sức sáng tạo, nhưng nhiều bạn thì lại thiếu trách nhiệm và nghĩ rằng mọi người phải sợ mình. Tôi thích làm việc với các nghệ sĩ lớn hơn vì họ luôn cẩn thận và chỉn chu. Giữa một nghệ sĩ thực thụ và một ca sĩ nhỏ nó khác nhau ở điều đó.
Đạo diễn Phạm Hoàng Giang và ca sĩ Bằng Kiều.
Thấy anh khá thân thiết với nam ca sĩ Bằng Kiều, nhiều chương trình hai người cùng song hành với nhau trong việc tổ chức, anh có ngại người ta nói anh "dựa hơi" Bằng Kiều để tạo sức hút?
Thực ra họ nói đúng mà, nếu không có Bằng Kiều có lẽ sẽ không có Phạm Hoàng Giang của ngày hôm nay. Anh Kiều đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc. Và nói đúng ra thì chúng tôi hỗ trợ và dựa vào nhau mà sống. Mỗi người có một thế mạnh của mình, anh Kiều hát còn tôi điều hành ở dưới.
Anh Bằng Kiều và tôi như anh em trong một gia đình. Tôi lo cho anh ấy và làm show cho anh ấy giống như trọng trách của một người em lo cho một người anh trai, nên các sản phẩm liên quan đến anh Kiều thì tôi luôn cẩn thận và đo ni đóng giày từng bài hát hoặc phần biểu diễn. Anh Kiều là một người thông minh trong việc biểu diễn và cách thể hiện tác phẩm. Anh ấy không bao giờ dễ dãi trong việc biểu diễn một tác phẩm, mà mỗi bài hát khi anh chọn để hát luôn phải là cảm xúc và tính toán của anh ấy. Tôi học được đức tính cẩn thận đó, quan trọng là cảm xúc… nhưng cảm xúc phải được tính toán cho đúng thời điểm.
Ở bên ngoài, công chúng nhìn nhận Bằng Kiều là nam ca sĩ tài năng thì có lẽ không cần bàn tới, nhưng đời riêng thì rất đào hoa mà cũng lận đận duyên tình, ở bên cạnh anh ấy, trong mắt anh ngoài đời Bằng Kiều là người như thế nào?
Nhiều khi tôi thương anh ấy lắm, đến sân khấu thì bao nhiêu người vây quanh, về nhà thì một mình lủi thủi, tự lo mọi việc, đôi khi cảm thấy cô đơn chứ….Trong mắt tôi anh ấy là người giản dị - vui tính và rất gần gũi. Cái số đào hoa thì chắc là… số của anh ấy rồi!
Đạo diễn Phạm Hoàng Giang.
Người ta nói nghề đạo diễn show hiện nay đang là nghề hot, kiếm bộn tiền, điều đó có đúng không? Anh có "chiêu thức" gì để trở thành một đạo diễn thành công?
Nhìn bên ngoài thì thấy đạo diễn là nghề hot, thu nhập có vẻ cũng cao đấy, lại thường xuyên xuất hiện bên cạnh các ngôi sao, nhưng để thành công thì lại phải trả giá quá nhiều. Nghề này đòi hỏi đầu tiên là đam mê, thứ hai là sức làm việc và sáng tạo không mệt mỏi, nên đôi khi áp lực đến không ăn, không ngủ. Để có được thành công thì tôi cũng đã phải trải qua hàng trăm show diễn trong quãng đường 10 năm qua, được cộng tác với rất nhiều cô chú đạo diễn gạo cội. Từ đó đã cho tôi kinh nghiệm thực tiễn và dần hình thành trong tôi những hoài bão lớn, những kỹ năng làm nghề. Cố gắng và nỗ lực, đam mê, dám sáng tạo, dám đột phát và tôi luôn thích câu "Khác biệt để tồn tại - Khác biệt để vươn lên". Hãy cho mình một sự khác biệt trong khuôn khổ, chắc chắn bạn sẽ thành công với con đường của mình.
Thấy anh không chỉ bận rộn với các show diễn, sự kiện trong nước, mà còn rất đắt show làm sự kiện, show ca nhạc ở hải ngoại. Điều này có vẻ hơi ngược khi các nhà tổ chức ở trong nước đang cố gắng mời người ở hải ngoại về để show diễn trong nước "oai" hơn. Đâu là lý do "ngược dòng" như vậy?
Có một điều công chúng có thể chưa biết rằng, ở hải ngoại không có những show diễn lớn như ở Việt Nam, vì vậy, nhiều chương trình tôi thực hiện tại Việt Nam, khán giả là Việt kiều đang sống ở các nước về xem rất đông, họ đặt vé trước cả 2-3 tháng. Sự thực là cộng đồng người Việt nhiều nơi trên thế giới còn thiếu thốn nghệ thuật, chi phí sản xuất chương trình đắt đỏ nên các nhà sản xuất phải cắt giảm chi phí đầu tư, thành ra các chương trình đôi khi bị sơ sài. Vậy nên gần đây, các nhà sản xuất âm nhạc ở hải ngoại tích cực mời các đạo diễn trong nước sang dàn dựng và đạo diễn chương trình, như một cách để kích thích sự phát triển của thị trường âm nhạc hải ngoại. Và qua các show tôi đã làm ở hải ngoại, tôi thấy khán giả rất chờ đợi, họ luôn mong chờ những show diễn chỉn chu, được đầu tư tốt, nhờ đó mà show diễn luôn cháy vé.
Cá nhân tôi thấy rằng, lĩnh vực giải trí ở Việt Nam đang khá phát triển trên nhiều mặt, ngày càng có nhiều người giỏi, có thể làm được những việc không thua kém với thế giới, nên chuyện các nghệ sĩ hải ngoại "ngược" về Việt Nam thu âm, phối khí, ra album, thứ mà người trong nước luôn nghĩ phải sang Tây làm sẽ chất lượng hơn, hay các đạo diễn Việt được mời ra hải ngoại đạo diễn, làm show… cũng là chuyện hết sức bình thường.
Cảm ơn đạo diễn!