Đánh thức bảo vật quốc gia: Giữ nguyên hiện trạng hay cất kho, cửa đóng then cài?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 11/02/2023 13:46 GMT+7

VTV.vn - Câu chuyện làm thế nào để bảo vật quốc gia có sức sống mới, xứng tầm vóc rất cần được trả lời.

Hiện nay, Việt Nam có 264 bảo vật quốc gia được công nhận. Đây là những hiện vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Có thể nói, mỗi bảo vật kết tinh trong nó câu chuyện về lịch sử hàng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm. Có thể làm gì để những câu chuyện ấy không ngủ yên và trở nên sống động trong đời sống đương đại? Câu hỏi này sẽ phần nào được suy ngẫm trong Góc nhìn văn hóa phát sóng ngày 11/2.

Bảo vật quốc gia là điều đáng tự hào. Nhưng không phải ở đâu bảo vật quốc gia cũng được kỳ công gìn giữ, phát huy như ở Hoàng thành Thăng Long. Nhiều bảo vật quốc gia rải rác trong các địa phương, ở các di tích. Chúng được bảo vệ mỗi nơi một kiểu và không phải không có nơi lơ là. Điển hình như vụ bảo vật quốc gia bức tranh vườn Xuân Trung – Nam - Bắc bị hư hỏng đến 30% do bất cẩn khi lau vệ sinh cách đây 3 năm đã từng khiến dư luận bức xúc. Luật bảo vệ di sản đã quy định bảo vật phải được bảo quan theo chế độ đặc biệt. Nhưng đó là trên lý thuyết. Thực tế, hầu hết các địa phương đều chưa có phương án, đề án bảo vệ lâu dài.

"Một khi đã xây dựng hồ sơ để Nhà nước công nhận hiện vật là bảo vật quốc gia thì phải có ý thức. Nhưng phần lớn là chạy theo danh hiệu, chỉ muốn có công nhận là bảo vật quốc gia, còn trách nhiệm đi kèm theo quy định pháp luật thì chưa được chú ý thực hiện một cách nghiêm túc. Địa phương không quá nghèo để không có phương tiện đủ hiện đại bảo vệ. Nếu chú trọng thì chúng ta vẫn có thể khắc phục được", PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia chia sẻ.

Trừ một vài bảo tàng lớn ở khu vực trung ương, hiện tại phổ biến có 2 ứng xử với bảo vật quốc gia. Một là giữ nguyên hiện trạng như trước khi được công nhận. Cách ứng xử này tuy giữ nguyên đời sống vốn có của bảo vật nhưng lại khiến bảo vật đối mặt với nhiều rủi ro nhưng tác động thiên nhiên. Hai là cất bảo vật vào kho cửa đóng then cài, tuy an toàn cho bảo vật nhưng lại tước đi đời sống của nó. Giá trị của bảo vật không còn được phát huy trọn vẹn. Câu hỏi làm thế nào để bảo vật quốc gia có sức sống mới, xứng tầm vóc rất cần được trả lời. Và thực tế, nhiều nỗ lực đã được ghi nhận như bộ lịch bảo vật quốc gia, áp dụng công nghệ thực tế ảo...

"Bảo vật quốc gia có thể tạo ra sản phẩm lưu niệm của bảo tàng, có được sự hợp tác với truyền thông để tạo giá trị gia tăng về văn hóa, kinh tế, làm cho những sản phẩm thủ công có thể bán ngoài thị trường. Chúng ta nên quan niệm dịch vụ văn hóa, bảo tàng di tích cùng là tài nguyên của du lịch, là hàng hóa đặc biệt vì có giá trị kép giữa văn hóa và kinh tế", PGS.TS Đặng Văn Bài cho biết.

Di sản không thể tạo ra được, bảo vật quốc gia cũng như vậy. Không có bài học lịch sử nào sống động bằng chính các hiện vật của cha ông vượt qua được sự tàn phá của thời gian và còn tồn tại đến thế hệ hôm nay. Đã đến lúc giá trị văn hóa, lịch sử của các bảo vật quốc gia phải được lan tỏa một cách trọn vẹn. Có lẽ, cái bắt tay giữa bảo tàng, di tích với truyền thông và công nghệ là lời giải hữu hiệu cho câu hỏi bao giờ bảo vật quốc gia thực sự được đánh thức.

Công nhận 27 bảo vật quốc gia Công nhận 27 bảo vật quốc gia

VTV.vn - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/1/2023 công nhận 27 bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước