Chuyện tình đẹp của Lưu Quang Vũ và Nguyễn Thị Hiền: "Hai ta hãy là giấc mộng của nhau thôi"

Trạc Tuyền/Thể thao văn hóa-Thứ hai, ngày 15/02/2016 16:47 GMT+7

VTV.vn - Những gì còn sót lại trưng bày hơn 10 tác phẩm được Nguyễn Thị Hiền vẽ trong 10 năm (1969-1979), trong đó có tác phẩm liên quan đến nhà thơ Lưu Quang Vũ.

Chuyện tình của Lưu Quang Vũ và Nguyễn Thị Hiền trong những năm 1972, 1973 từng gây chấn động, khiến nhà văn Kim Lân (cha Nguyễn Thị Hiền) đổ bệnh. Nhưng đó lại chuyện tình đẹp vượt thời gian, giúp hai nhân vật chính để lại cho đời nhiều tác phẩm.

Nàng thơ của Lưu Quang Vũ

Nhà thơ Lưu Quang Vũ (sinh năm 1948), ít hơn họa sĩ Nguyễn Thị Hiền 2 tuổi. Hai người gặp nhau trong buổi họp mặt cộng tác viên của một tạp chí tại Hà Nội. Khi đó Lưu Quang Vũ vừa ra quân và đã có vợ. Tình yêu không phân biệt tuổi tác nhưng mối quan hệ giữa hai người bị dư luận lúc đó phản đối do Lưu Quang Vũ đã có gia đình.

Tuy nhiên, Nguyễn Thị Hiền đã trở thành nàng thơ giúp Lưu Quang Vũ sáng tác thật nhiều trong tâm trạng tuyệt vọng của một mối tình không đến được với nhau: “Một tình yêu không biết nói cùng ai/ Đến điên dại, đến nghẹn ngào đau đớn/ Mặt anh vỡ trong tấm gương thất vọng…”.

Hay bài thơ Lưu Quang Vũ viết tháng 9/1972: “Thế giới xanh xao những sự thực gầy gò/ Em đã đập vỡ ra từng mảnh/ Giấu sôi sục trong những đường nét lạnh/ Em đi tìm thế giới của riêng em”. Với Nguyễn Thị Hiền thời gian này, đến tuổi đó chị chỉ biết vẽ và vẽ. Tình yêu đến với chị rất tự nhiên và trong sáng, không ý thức được sóng gió quanh mình.

Còn Lưu Quang Vũ thì luôn cuồng nhiệt: “Tôi muốn đi tới đích cùng em/ Tôi phải đi tới đích cùng em/ Lòng tôi như buổi sớm vẫn nguyên lành/ Em nhận lấy em đừng e ngại mãi/ Tôi tan nát, tôi kinh hoàng sợ hãi/ Em cô đơn rồ dại của tôi ơi…” – (Gửi Hiền).

Ngoài dư luận, sự ngăn cách mối tình này còn có nhiều lý do khác, trong đó có việc Lưu Quang Vũ vừa rời quân đội, đang không có việc làm và tâm hồn thì luôn nhạy cảm, yếu đuối... Lưu Quang Vũ thường đứng nhìn Nguyễn Thị Hiền từ xa, tình yêu gửi đến nàng thơ của mình không gì hơn những vần thơ bỏng cháy: “Có gì đâu mà tiếc mà buồn/ Em biết đấy anh chẳng tin định mệnh/ Nhưng trên đời này chỉ ước mơ là có thật/ Hai ta hãy là giấc mộng của nhau thôi…”. Chẳng những yêu người, Lưu Quang Vũ còn yêu luôn cả những bức tranh của Nguyễn Thị Hiền.

Thơ Lưu Quang Vũ viết về Nguyễn Thị Hiền trong giai đoạn này cũng đầy màu sắc của hội họa: “Ngõ Hạ Hồi hôm ấy mưa rơi/ Đã xa vắng trên mặt đường ướt lạnh/ Tóc em rối và áo em đỏ thắm/ Những bức tranh nổi gió ở trên tường”. Ngõ Hạ Hồi là nơi gia đình nhà văn Kim Lân sinh sống đã vào thơ Lưu Quang Vũ từ tình yêu của ông dành cho Nguyễn Thị Hiền. Hay: Mỗi bức tranh của em/ Như một ô cửa/ ở đó lòng em/ Ra tới mọi người/ ở đó mọi người/ Đi tới bên nhau...”.

Vẽ thơ của người yêu thành tranh

Trong triển lãm Những gì còn sót lại, có bức tranh mang tên Ông tiến sĩ giấy được Nguyễn Thị Hiền vẽ vào năm 1973. Chuyện rằng, Nguyễn Thị Hiền đã mua tặng Lưu Quang Vũ một “ông tiến sĩ giấy” trên căn gác của nhà thơ Nguyễn Lâm (thường gọi Lâm Man) ở phố Triệu Việt Vương (Hà Nội).

Nhận quà, Lưu Quang Vũ đã viết: “Em tặng anh một ông tiến sĩ giấy…” (bài này có in trong tập thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi). Sau đó Nguyễn Thị Hiền đã vẽ bức tranh này từ ý thơ của Lưu Quang Vũ.

Trải qua bao tháng năm, thơ của Lưu Quang Vũ viết về mối tình với Nguyễn Thị Hiền vẫn còn đó, nhưng tranh của “nàng thơ” vẽ về mối tình này thì thất lạc rất nhiều. Bức tranh Ông tiến sĩ giấy là “những gì còn sót lại” hiếm hoi để minh chứng cho một chuyện tình vượt thời gian, kể cả khi Lưu Quang Vũ đã vĩnh biệt cõi thế từ năm 1988.

Chuyện tình này đã hơn 40 năm, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Tôi không thể nào hiểu nổi vì sao cuộc đời lại phũ phàng đến thế. Một tình yêu sáng trong lại có lúc biến chúng tôi giống như tội đồ trong mắt mọi người. Cha tôi thì lo cho tôi đến héo mòn. Cơ quan đoàn thể kiểm điểm lên xuống. Người ta nhân danh chuyện tình của chúng tôi để ách lại việc đi học nước ngoài của tôi… Có nhiều sự thật mà tôi không muốn nói và không muốn nhắc đến nữa. Vì nhắc đến chắc hẳn sẽ có nhiều người đỏ mặt. Còn tôi thì thêm nhói đau”.

Sau này Nguyễn Thị Hiền vào Sài Gòn sinh sống, lập gia đình với nhà nghiên cứu Lê Dưỡng Hạo – một người hết mực yêu bà. Khi Lưu Quang Vũ, trong vai trò nhà biên kịch theo đoàn kịch vào Nam, hai người có gặp nhau. Chuyện tình chỉ dừng lại ở những kỷ niệm đẹp lung linh và sống mãi trong tâm khảm hai người.

Cho đến giờ, chuyện tình đó vẫn đẹp như những bài thơ và các bức tranh của hai người, tựa như cổ tích dừng lại với thời gian...

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước