Chơi với nghề vẽ, cũng... rẻ lắm!?

Theo An ninh Thủ đô-Thứ bảy, ngày 27/02/2016 07:22 GMT+7

VTV.vn - Dù trước đó đã tham gia triển lãm chung, nhưng đến khi trình làng bằng triển lãm cá nhân “Một bầy lặng im” cách đây 3 năm tên tuổi Tào Linh mới được nhiều người biết đến.

Đã từng thất hứa tới 10 năm

Trong giới văn nghệ sĩ ở ta, tôi thấy đa phần xuất thân rất “tạp”, có người là giáo viên toán, có người là nhân viên ngân hàng, còn anh là kỹ sư điện. Góc nhìn của anh về chuyện này?

- Tôi nghĩ, làm gì cũng phải có tí máu văn nghệ trong người, kiểu như sau một thời gian ủ bệnh, thì một ngày nào đó bệnh bỗng phát ra. Nhưng thực ra quãng thời gian làm “trái ngành, trái nghề” chính là lúc để chúng tôi tích lũy đủ văn hóa, vốn sống cũng như cảm xúc và thẩm mỹ. Và rồi cái gì tích tụ mãi cũng đến ngày bùng phát, kiểu giọt nước tràn ly ấy. Không kìm được nữa thì ắt hẳn sẽ phải làm thôi.

Tôi tò mò về nghề kỹ sư điện hiện tại của anh?

- Tôi vẫn là một kỹ sư. Nhưng nghề này không còn là ưu tiên của tôi nữa. Tôi muốn vẽ.

Nghe nói có thời gian anh làm truyền thông và anh là một trong những người đầu tiên mang nghề PR về Việt Nam?

- Thực ra nếu gọi là một trong những người đầu tiên thì không đúng lắm, vì trước chúng tôi cũng có một vài người rồi. Tôi thuộc loại thích cái mới, năm đó, Nguyễn Thanh Sơn (nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn - PV) rủ tôi lập công ty. Công ty đó sau này làm ăn khá thành công và trở thành công ty hàng đầu Việt Nam về truyền thông, tiếp thị, tổ chức sự kiện.

Thành công thế, sao anh lại từ bỏ?

- Nghề PR, tổ chức sự kiện, chăm sóc khách hàng thực ra chỉ hợp với người trẻ, có tuổi như tôi khó theo lắm, tôi phải thừa nhận là mình có cá tính nghệ sĩ, khó chiều lòng người khác, tôi chỉ muốn chiều lòng mình. Nghề gì cũng có giai đoạn, nên tôi nghĩ mình cần phải dừng đúng lúc.


Xe đạp - Tranh Tào Linh

Xe đạp - Tranh Tào Linh

Anh có nói, đã đủ tích lũy, có thể hiểu là đã đủ kinh tế để theo nghề vẽ?

- Dư dả về kinh tế thì không đâu. Mà chơi với nghề vẽ cũng... rẻ lắm, có đắt đỏ đâu (!?). Chỉ là bây giờ, đã ngoài 50 tuổi rồi, nếu mình không dứt ra để vẽ thì lúc nào mới dứt ra được. Sinh thời, họa sĩ Vũ Tân Dân, người tôi coi như thầy, đã dặn tôi rằng, làm gì thì làm, 40 tuổi là phải dứt ra để vẽ, vậy mà tôi đã thất hứa với anh ấy tới 10 năm. Như thế là quá rồi!

Có nhiều nghệ sĩ vẫn thường dùng từ “cứu cánh” để nói về mối duyên với nghệ thuật…

- Với trường hợp của tôi mà dùng từ “cứu cánh” thì nó nghiêm trọng quá. Sức tôi không khỏe lắm. Ngoài đọc sách và vẽ ra, tôi không biết chơi bất cứ trò gì, đến game cũng không chơi. Vì thế, tôi sống toàn tâm với vẽ và đọc. Thêm nữa, tôi là người không quảng giao, ngại nói. Nhưng nếu không cô độc thì tôi không vẽ được.

Đối với anh, hội họa đồng nghĩa với cô độc?

- Tôi vẽ nhiều, vẽ xong toàn cuộn lại cất đi. Có dạo cả tháng tôi không bước chân ra khỏi nhà.

Bây giờ có vẻ như anh đã bớt cô độc, tôi vẫn hay gặp anh ở các triển lãm, trong những lần bạn bè hội họp?

- Ngại thì vẫn ngại, nhưng giờ tôi đã cân bằng cuộc sống hơn, nghĩ lại thời gian trước kia đôi lúc tôi cũng thấy sợ. Bây giờ người ta cứ gọi bằng một từ mà tôi cực kỳ không thích là tự kỷ. Tôi thích cách nói của chị gái tôi, tâm hồn như cái chậu nước, để lâu bụi bặm nó lắng xuống, nên thi thoảng phải hắt đi mà thau lại.

Đối với những người thân thiết anh, họ xem tranh của anh thì cũng hiểu, dạo này anh năng thau rửa “chậu nước tâm hồn” mình. Nhưng còn chuyện phải “tiết kiệm cái mặt” thì sao?

- Tôi đã chuyển sang hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Nói theo nghề truyền thông là tôi đã thành công trong việc “nhận biết thương hiệu” (cười). Tôi tham gia trưng bày chung trong nhiều triển lãm của bạn bè, trong Nam, ngoài Bắc… Có vài người hỏi tôi hệt như bạn, rằng có xuất hiện nhiều quá không. Hai năm vừa rồi là đủ cho một diện mạo khác. Năm mới này tôi đã có một vài kế hoạch, kể cả cá nhân hay cùng với bạn bè.

Tỉnh táo để không... bị lừa

Hỏi thật, tranh của anh bán có tốt không?

- Bạn hỏi thật thì tôi cũng nói thật. Bán tốt vì tranh của tôi không lấy giá quá cao.

Rất nhiều họa sĩ đau đáu với việc Việt Nam chưa có thị trường tranh, còn anh?

- Nhờ tiếp xúc với đủ thành phần người mua nên tôi tạm thời kết luận là người mua tranh ở Việt Nam bây giờ đa phần có kinh tế, thu nhập tốt và đơn giản là mua để trang trí rồi đổi tranh theo tâm trạng. Không như ở nước ngoài, người ta sưu tập tranh và coi đó như một thứ của nả trong nhà. Chỉ khi nào người ta coi tranh là tài sản cố định, có tính thanh khoản, khi đó Việt Nam mới có thị trường tranh.

Có phải chúng ta còn thiếu những họa sĩ thiên tài chăng?

- Chúng ta đã từng có một thế hệ các họa sĩ trường Cao đẳng Đông Dương như Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, nhưng bây giờ, để có một thế hệ như ngày xưa ấy, tôi thấy hiếm lắm, tất nhiên không phải bây giờ không có những người tài năng, tâm huyết. Kinh tế thì khá lên mà không hiểu sao nghệ thuật lại cứ đi xuống. Từng bức tranh đẹp thì vẫn có, nhưng tìm tác giả có tầm thì thưa vắng lắm. Cũng có thể là ngày xưa, bao nhiêu năm mới có một khóa họa sĩ ra trường, giờ mỗi năm có vài trăm người tốt nghiệp chuyên ngành mỹ thuật, nên không còn quý nữa chăng?

Bao lâu nay, rất nhiều người nếu muốn mua tranh thì đi thẳng ra phố Nguyễn Thái Học chứ không vào các triển lãm, trong khi giá cả giữa tranh chép và tranh tác giả chẳng chênh lệch nhau bao nhiêu, điều đó có làm anh thấy buồn?

- Có thể thấy, với rất nhiều người, văn hóa và thẩm mỹ không xứng với tiền họ có. Thẩm mỹ xã hội chung như thế thì phải chịu thôi.

Có những họa sĩ vẽ rất nhiều, triển lãm rất nhiều nhưng ai xem cũng không thể đồng cảm nổi và họ tự hào vì chẳng ai hiểu nổi mình?

- Dân văn nghệ thường tin và yêu bản thân mình lắm và ngược lại nếu không tin và yêu bản thân thì không thể làm văn nghệ. Tôi lại phải nhắc đến mặt bằng chung thẩm mỹ. Cái đẹp đôi khi không có mẫu số chung. Trong khi, thẩm mỹ thị giác là thứ hơi đặc biệt, không thông dụng như văn thơ hay âm nhạc. Thẩm mỹ thị giác nó đặc biệt đến mức khó có thể đánh giá. Có nhiều người vẽ, nhưng quan trọng là mấy ai kiên định với thẩm mỹ, cá tính nghệ thuật của mình. Còn tất nhiên, thẩm mỹ đó có thể có cao, có thấp...

Câu hỏi cuối cùng, anh phản ứng thế nào trước những lời khen?

- Tôi đủ tỉnh táo để không còn “bị lừa” ở tuổi này. Văn thơ, hội họa, nghệ thuật có sự hấp dẫn tới ma mị, nhiều khi chỉ vì lời khen xã giao đã đánh đổi nhiều thứ, bỏ hết thực tế chạy theo phù phiếm. Còn tôi, phần lớn sống một mình, đủ cô độc, đủ nghiền ngẫm, không tự lừa mình bởi những lem nhem. Trước những lời khen xã giao, tôi thường nghe và cảm ơn, còn làm theo những thứ đó thì để chết à?

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện !

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước