Chim hoang dã và vực thẳm của sự quyến rũ

Đỗ Doãn Hoàng-Thứ bảy, ngày 10/02/2024 10:02 GMT+7

VTV.vn - Chia sẻ của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng về những ngày anh bỏ phố xá để đi rừng, viết báo, làm phim, chụp ảnh muông thú và chim chóc.

"Trong mỗi bước đi cùng thiên nhiên, chúng ta nhận được nhiều hơn những gì chúng ta tìm kiếm", John Muir – Nhà tiên phong của phong trào bảo vệ giới nguyên sinh, giới thiên nhiên của Mỹ đã viết. "Không có hành khách nào trên con tàu vũ trụ mang tên Trái đất. Tất cả chúng ta đều ở trong phi hành đoàn", Marshall McLuhan nói. Tôi đã sống hết mình với thiên nhiên hoang dã bao nhiêu năm ròng, rồi một ngày thấy mình may mắn ngộ ra được những điều mà chính hai tác giả trên đã viết từ lâu. Thiên nhiên bảo bọc và ban tặng cho chúng ta nhiều hơn hết thảy những gì mà chúng ta tìm kiếm khi song hành cùng Ngài. Thế nên, chúng ta phải lái con tàu vũ trụ Trái đất đang trôi như một "chấm xanh mờ" mong manh giữa tỷ tỷ tinh cầu khác. Đừng ỷ lại, không nói rằng tôi chỉ là hành khách lơ mơ ngủ rồi thốt nhiên tỉnh dậy đòi hưởng thụ đủ thứ nhu cầu ích kỷ và vô lối. Bởi, "Trái đất có thể đáp ứng được mọi nhu cầu của con người, nhưng không thể đáp ứng được lòng tham của mỗi người" (Mahatma Gandhi).

Chim hoang dã và vực thẳm của sự quyến rũ - Ảnh 1.

Tìm các vị thần trong dáng núi

Về với hoang sơ, đôi lúc, ngồi im tới mức mình chớp mắt cố "rình" quan sát một con nai vàng "ngơ ngác đạp trên lá vàng khô", một chú chim di cư thơ ngộ thẽ thọt ngó nghiêng, tôi nghe thấy cả tiếng hai hàng lông mi của mình phát ra tiếng động mỗi khi chớp mắt. Trong khi thiên nhiên đang xâm chiếm và thống lĩnh, tôi thấy máu mình chảy giật giật dưới da. Tựa lưng vào một tàng cây cổ thụ ngủ thiếp đi, "đại lão mộc tinh" lúc đầu lạnh giá và ẩm ướt, vài tiếng đồng hồ sau, đến nửa đêm về sáng, cụ mộc tinh và tôi dường như cùng tỏa hơi ấm, khiến lá lẩu bốn chung quanh hơi nhàu héo đi. Tôi mỉm cười, chợt nghĩ: Hay là nửa dòng máu của mình đã mang màu xanh diệp lục mất rồi?

Đi vào thiên nhiên hoang dã, bạn sẽ thấy không có trời nóng quá hay rét quá, không có gió mưa gào thét hay bão tố hăm hia đe doạ được bạn đâu; có chăng, chỉ là bạn chưa mang đủ trang phục và thiết bị sống ngoài trời hợp lý mà thôi. Còn tôi, tôi có nhu cầu về miền hoang dã, chẳng để tìm kiếm gì cả, đơn giản là đi tìm kiếm cái quyền được về nơi đó. Cái giá của hoang sơ. Nếu ở rừng hoang chỉ cần một ngày đổ lên, tai bạn đã thính hơn, mắt bạn đã tinh hơn và các giác quan khác đều thính nhạy đến mong manh và… thảng thốt.

Chim hoang dã và vực thẳm của sự quyến rũ - Ảnh 2.

Ở Cộng hoà Peru, một ngày, người ta rủ tôi ra đảo xa trên hồ Titicaca để dâng lá cocacola cúng vái Mẹ Trái đất (Mother Eath). Ở vùng Nam Mỹ rộng lớn, bà con đưa tôi đến Machupichu (một trong 7 Kỳ quan thế giới mới), thành phố Olantaytambo, ai nấy có tín ngưỡng thờ thần Mặt trời. Và tổ tiên họ rồi đến họ, luôn tìm kiếm các vị thần quyền uy nhất - với gương mặt kỳ vĩ nhất được Tạo hóa đẽo tạc trên các vách đá, hoặc họ trông thấy các vị ấy chính là một ngọn núi gợi cảm nào đó. Có "ông" mũi khoằm, miệng và nét cười là cả một hẻm vực nứt toác. Có ông sống mũi cao, tóc ngài là cả một cánh rừng mênh mông. Có vị chỉ để lại một nét mực Tàu thủy mặc khi ai đó nhìn vào đường cong của một vách núi mênh mông thò ra mép vực.

Chim hoang dã và vực thẳm của sự quyến rũ - Ảnh 3.

Nếu có niềm tin tâm linh, bạn sẽ thấy cả màu của núi, của đá, đất, cỏ cây, rêu mốc đều được mẹ Thiên nhiên - với bàn tay trên tài họa sĩ, nhà thiết kế thời trang vĩ đại - tạo tác rất kỳ khu. Nhìn đâu cũng thấy những gương mặt người bí ẩn, giới khoa học bảo rằng, thế giới này luôn có hội chứng "gương mặt người" như thế. Tôi đã thấy núi, vách núi, khe đá hẹp, chòm rêu và cánh rừng nơi này chứa chân dung hoặc phác thảo lãng đãng về các vị thần linh. Ở Việt Nam, nhiều dân tộc có tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, họ thờ cả thần lông mi, lông mày, thần máng nước, thần bậu cửa, thần cọc buộc trâu bò: có thể họ đều thấy các "linh hồn phiêu dạt" ngụ ở đó.

Đó, cơ hồ, là câu chuyện của việc đi vào thiên nhiên, nương tựa và tri ân Mẹ Trái đất đến đăm đắm thực lòng nhất.

Phải lòng vẻ đẹp của những cánh chim trời

Trong một lần cùng bạn hữu tham gia, sáng lập Chi hội Nghiên cứu và bảo tồn chim hoang dã Việt Nam, tôi đã phải lòng vẻ đẹp của những cánh chim trời. Đi ngày nọ qua ngày kia trong rừng, đi hết Việt Nam lại ra nước ngoài, "tìm chim như thể tìm em, chim bay bể Bắc anh tìm bể Đông". Có người bảo, sao không đi tìm bướm, hay hươu, nai, hổ báo mà chụp. Câu trả lời là: dân nhiếp ảnh hoang dã thì gặp con gì chụp con nấy, nhưng 20 năm Việt Nam chưa từng ghi nhận sự tồn tại của hổ trong tự nhiên (kể cả qua bẫy ảnh cài đặt cả tháng trong rừng sâu); muông thú thì vào rừng quốc gia cũng hãn hữu, có khi cả năm mới thấy một cá thể. Lấy đâu ra mà chụp?

Chim hoang dã và vực thẳm của sự quyến rũ - Ảnh 4.

Riêng với chim thì khác: chúng phân bố từ Bắc đến Nam bán cầu, từ sa mạc hoang vu khắc nghiệt nhất thế giới đến vùng băng giá vĩnh cửu rợn ngợp như Nam cực, Bắc cực. Ở nhà, tôi mở cửa sổ thấy chim hút mật, chim vành khuyên; vào rừng sâu thấy cú lợn rừng, pitta, cao cát, ó cá. Ra nước ngoài có khi thấy chính những loài đó di cư quanh vỏ Trái đất và tươi vui tái ngộ anh vác máy ảnh to đoành. Riêng Việt Nam ta, có hơn 900 loài chim, có loài đặc hữu, chỉ cánh rừng đó, chỉ đỉnh núi đó mới có. Không nơi nào khác ở Việt Nam và trên thế giới từng ghi nhận. Thế là bạn hữu chụp chim khắp địa cầu đôn đáo bay tới, qụy lụy xin chụp. Còn chúng tôi thì bằng mọi giá ra nước ngoài chụp những loài không có trên xứ mình. Vui.

Chim hoang dã và vực thẳm của sự quyến rũ - Ảnh 5.

Nhiều đêm, tôi nhắm mắt lại, cả trong cơn mơ dài, là cảnh mình đuổi bướm bắt chim, tiếng cỗ máy "quái thú" hiện đại nhất trên thị trường thế giới "bắn liên thanh" rào rào phầm phập. Người ta bảo, trong các thứ nghiện thì nghiện ngắm và chụp chim hoang dã là khó cai và tốn kém vào hàng quán quân. Lúc trước, bao năm làm báo về bảo tồn, chứng kiến giới nghiện chụp chim (người ta có thuật ngữ là "lọt hố vôi", "ngã hố vôi") lăn lê bò toài, đi nhiều nghìn cây số, bỏ nhà lầu xe hơi đi rình một con chim trong rừng toàn vắt muỗi, trong bãi sình lầy xú uế… - bấy giờ tôi đã cười khẩy và rất thương xót họ. Coi họ là… điên rồ. Nhưng chỉ một tháng sau, tôi buông bỏ tất cả để sa vào cái "hố vôi" kỳ diệu, ai chê cười chỉ mủm mỉm đáp lại trong cơn thần hứng. Một cái hố lọt vào không muốn ngoi lên. Bởi tiếng hót kỳ diệu, bởi nhan sắc mĩ miều trăm hồng ngàn tía, bởi cuộc sống lạ kì và sự đa dạng sững sờ của thế giới các loài chim. Chúng phân bố sặc sỡ khắp địa cầu. Trong giấc mơ, tôi thấy lũ chim như bước ra từ cổ tích, mà tôi cũng không phải gã 50 tuổi cáu kỉnh béo tốt như thế này. Lũ chim châu mỏ lại giăng ngang trời một tấm võng hồng điều phủ nhiều tua rua trắng, trên có những cái lọng tròn thêu thùa rực rỡ, mấy nghìn con chim bay, căng võng đưa tôi - một hoàng tử trẻ - du ngoạn như bay khinh khí cầu khắp núi rừng, hải đảo. Lúc ở Papua New Guinea, lúc sang Nam Mỹ, lại vòng về Nam Phi, xuôi sông Nile dài nhất thế giới ở Ai Cập, bơi từ Ấn Độ Dương sang Đại Tây Dương ở Mũi Hảo vọng.

Chim hoang dã và vực thẳm của sự quyến rũ - Ảnh 6.

Nhớ những đêm, tôi và Đặng Văn Hiến (một kiểm lâm giải nghệ để dốc sức tìm hiểu về chim hoang dã) nằm trong rừng già gió u u, rình con Dì dì Phương Đông. Loài cú cá siêu đẹp, cô chú ta đang nuôi con trong hốc đại thụ xa xôi thuộc VQG Yok Đôn, tỉnh Đăk Lăk. Chúng tôi bỏ xe bìa rừng, đi qua các trạm gác với đồng chí kiểm lâm mắc võng thức trắng đêm giữa hoang vu để chống lâm tặc. Cú mẹ đi cả đêm tìm được con lươn dài thượt. Tiếng chim con kêu thao thiết, cú bố thì gia trưởng cảnh giới canh chừng. Có lúc cú mẹ về, nó mướt mải không có con cá, con lươn nào làm quà nuôi con. Cú bố lao vào đánh cú mẹ, lông bay nâu cả một tán cây đỉnh giời. Dường như cả đêm cả ngày, cú mẹ vắt cạn mình để có cái ăn cho con, để làm hài lòng ông chồng nóng tính và dữ đòn.

Rừng khuya vang tiếng cú! Rình hai đêm, cặp Dù dì Phương Đông thận trọng dìu con ra ràng rời khỏi hốc cây, lông của chúng giống hệt vỏ và thân cây khô khốc mùa rừng khộp rụng lá. Tôi gọi, chú chim non là một bậc thầy ngụy trang. Nếu không có cặp mắt trong veo, vừa xanh vừa vàng quyến rũ đang đăm đăm nhìn tôi cảnh giới, thì có lẽ, tôi nghĩ chú ta chính là một miếng vỏ cây xù xì.

Chim hoang dã và vực thẳm của sự quyến rũ - Ảnh 7.

Lại những ngày hân hoan chờ cái tổ chim sả vằn oai phong hoàn thành, rồi chị chim mái đẻ trứng nuôi con ở vùng Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Chim trống như một tráng sĩ mắt sáng quắc, mỏ to đùng và sắc như đao kiếm. Lông xanh, vàng, vằn vện, các chỏm lông trên đầu liên tục dựng lên đầy hăm dọa. Chim mái màu nâu giản dị hơn. Nhưng cả hai đều là sát thủ của bò sát, côn trùng. Vợ chồng sả vằn biến cả một cái tổ kiến bự thành nhà của mình. Chúng cắp rắn, rết, bọ cạp, kỳ đà, kỳ nhông, mối dách… về, đàn con bé xíu của chúng thì hưởng cái gen di truyền của cha mẹ, con gì, độc bằng cỡ nào cũng chén tất. Chúng luyện cho con cái ăn các loài có độc tính cao nhất. Đám chụp chim chúng tôi thì quá hào hứng với cảnh chú sả vằn cắp ngang mỏ một con rắn cuồn cuộn cuồng quẫy, rắn ta cuộn mình ôm lấy cặp mỏ, ôm lấy cổ sả vằn mà quyết một trận tử chiến. Sả ta vằn mắt, dùng mỏ nện mạnh vào cành cây nó đang đứng, cố giết chết, rồi có khi cắn gần đứt đôi con vật tội nghiệp.

Chim hoang dã và vực thẳm của sự quyến rũ - Ảnh 8.

Có chú chim bìm bịp mắt đỏ đòng đọc, phom đùi to và vững chãi, lông nâu đỏ rắn rỏi. Nó bước đi khệnh khạng tinh tướng, ba bề bốn bên, các loài chim chạy tán loạn. Chú ăn đủ loài bẩn thỉu và có nọc độc. Thậm chí, để bảo vệ tổ của mình, nghe đồn, bìm bịp còn bắt con rắn hung dữ với nọc độc giết chóc nhất của cánh rừng ấy về, huấn luyện cho rắn vệ binh cách trông nhà giữ của, quản lý chim bìm bịp non. Ở vùng Papua, trên đất nước hơn 14 nghìn hòn đảo Indonesia và Nhà nước Độc lập Papua New Guinea (đây là vùng rừng mưa nhiệt đới lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau rừng Amazone và rừng Congo), còn có loài chim chứa độc tố, ai/loài nào sờ vào lông chúng, ăn thịt chúng, tấn công chúng đều bị trúng độc.

Cũng ở Papua, có những loài chim đẹp nhất thế giới như chim thiên đường (đẹp từ tên gọi đổ đi). 39/45 loài chim thiên đường của thế giới hội tụ về đây. Chúng đẹp đến mức, đuôi dài cả mét, màu sắc trỉa lấy những nét đẹp nhất của thượng đế từng ban tặng cho nhân gian, điệu múa gọi bạn tình của chúng thì… rụng rời. Nhóm nhà báo Mỹ dành 8 năm ở rừng, leo lên cây làm khu lều mật phục để quay các loài chim thiên đường dọn sạch lá rừng và đất đá, làm cái sân khấu mĩ miều trước khi múa gọi bạn tình. Có loài mang hai sợi lông uốn hình số tám, như phát ra ánh sáng xanh ở đuôi. Có loại dựng lông dựng bờm trông như ngựa thần biết bay trong thần thoại Hy Lạp. Có loài dựng lông cánh như tráng sỹ, với màu sắc đê mê, chúng cất tiếng vừa kêu vừa hót làm không chỉ chim mái mụ mị mà đến giống khác (như chúng tôi) cũng ngất ngây.

Chim hoang dã và vực thẳm của sự quyến rũ - Ảnh 9.

Giữa bối cảnh đó, có loài chim nhìn mãi không thấy nét nào đẹp, màu sắc thì lẫn vào lá oải mục trong rừng; nhưng trời vẫn giúp nó đi tìm con chim mái thành công, khi ban cho chúng một tài năng đặc biệt: xây dựng các cái tổ trên mặt đất "toà ngang dãy dọc". Với đủ cửa chính, cửa sổ, với thừa sự trau chuốt mà bất cứ ai trông thấy cũng không bao giờ tin là một con chim có thể làm nổi, chim trống ta ngự trong một lâu đài tuyệt mỹ để thu hút con mái. Không có vẻ tốt mã, sặc sỡ, mướt mát, không có tiếng hót du dương hay tiếng kêu vang dậy oai oách, chúng có nhà lầu nguy nga, "tán gái" vẫn hiệu quả như ai.

Chim hoang dã và vực thẳm của sự quyến rũ - Ảnh 10.

Cuộc sống có những bến bờ lạ đang chờ mỗi chúng ta, những ngả rẽ đôi khi sững sờ. Có thể vì thế mà các điểm chạm của cuộc đời, những trang sống mới luôn có men say quyến rũ. Thiên nhiên khắp vỏ Trái đất đã đưa tôi đến những giây phút ngộp thở, nín thở vì xúc động. Cuộc đời con người được đo bằng những hơi thở khoẻ mạnh và sự dài ngắn của cuộc sống; nhưng thước đo quan trọng và chất lượng hơn chính là những giây phút nín thở vì trái tim đang thổn thức như thế. Nín thở và cả những lúc bí thở, suýt tắt thở vì khám phá các kỳ quan thiên tạo và nhân tạo nữa chứ. Nhớ những ngày đeo bình dưỡng khí đi trên quốc lộ miên man của nóc nhà thế giới Tây Tạng, lúc ngồi thở oxi tắc bụp hoang mang khi đến với kinh đô Cusco của Peru, bởi vì chúng quá cao so với mực nước biển. Không khí quá loãng. Các đội bóng đến đây thi đấu đối với người vòi vọi bản địa, rất thiệt thòi về sức chiến đấu, cứ là thua như chơi.

Chim hoang dã và vực thẳm của sự quyến rũ - Ảnh 11.

Cuộc đời hấp dẫn mỗi chúng ta hơn, còn là vì những điều không thể đoán trước. Buồn vui, nghĩ cho cùng cũng chẳng khác nhau là mấy, đều là gia vị cho cuộc đời. Chứ kẽo kẹt ngày nọ giống hệt ngày kia, dẫu bình yên đi nữa, sự tẻ nhạt sẽ gặm mòn mỗi chúng ta. Tôi muốn lạc quan, nghĩ: rừng già thì phải có dây leo, núi cao phải có thác treo; đã là con người thì phải bị dẫn dụ bởi những đam mê, những điểm chạm mới; mỗi ban mai thấy một khung trời lạ… Ra với hoang sơ, về với thiên nhiên, sẽ làm con người ta khiêm tốn và chắt chiu từng sát na của cuộc sống hơn nữa/.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước