Trong không gian chung, nhiều việc yêu cầu phải làm theo thứ tự như đi trên đường, đỗ xe đèn đỏ, đi mua hàng, cắt tóc, khám bệnh… Chỗ nào đông người thì phải xếp hàng. Chuyện người đến sau phải nhường người đến trước tưởng chừng là điều ai cũng hiểu nhưng ở đâu đó, vẫn có người bất chấp quy định xếp hàng để xảy ra tình trạng chen lấn, gây bất bình cho những người cư xử đúng mực.
Nhiều lý do được đưa ra để bao biện cho hành vi chen ngang như đang vội, không muốn phải chờ đợi… Nhưng tất cả chỉ là bao biện. Xếp hàng là một trong những thước đo ý thức công dân về văn hóa ứng xử nơi công cộng. Ở thời bao cấp, khi cuộc sống ăn còn chưa no nhưng người dân đều kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi để mua tem phiếu, không chen lấn xô đẩy, ai đến trước được mua trước, có khi còn nhường cho các cụ già. Điều này đáng để suy ngẫm. Lý do nào khiến thói quen xếp hàng không còn được như trước dù xã hội ngày càng phát triển?
Nói về điều này, PGS.TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ: "Văn hóa xếp hàng kém phản ánh ý thức trách nhiệm xã hội của mỗi công dân khi tham gia hoạt động của cộng đồng. Những người có tâm lý khôn lỏi, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng, người khác thì sẽ luôn tìm cách có cơ hội đạt được lợi ích. Những tâm lý cá nhân, sự ích kỷ này dần ăn sâu vào hành vi, trở thành văn hóa ứng xử xấu trong xã hội mà chúng ta đang đề cao sự văn minh đô thị".
Văn hóa xếp hàng kém không chỉ có sự ích kỷ, khôn lỏi dẫn đến văn hóa ứng xử xấu xí của một bộ phận người dân mà còn có sự tác động của tâm lý đám đông. Trong hàng người đang ngay ngắn xếp hàng, chỉ một người chen lên thì sẽ có người thứ hai cảm thấy… kém miếng khó chịu. Hậu quả là dẫn đến một đám đông hỗn loạn, thậm chí xảy ra hiện tượng gây gổ, đánh nhau vì chen ngang, cướp lượt.
"Mối lợi có thể thấy ngay trước mắt nhưng về lâu dài, chúng ta sẽ gặp phải sự thiệt thòi rất nhiều, đó là sự bất ổn về trật tự xã hội" – PGS.TS Phạm Mạnh Hà nói tiếp – "Việc không tuân thủ xếp hàng mà dùng chiêu trò hay thủ đoạn thì xét cho cùng vẫn là thiếu văn hóa. Bởi vì, văn hóa phải xuất phát từ nội tâm bên trọng, tức là ý thức văn hóa về hành vi của mình, không phải sử dụng trí thông minh để luồn lách, len lỏi, đạt mục tiêu mà không cần trả giá. Việc bỏ tiền thuê người đi xếp hàng, sử dụng mối quan hệ… đều phản ánh văn hóa xấu xí của chúng ta".
Xếp hàng phần nào thể hiện văn hóa ứng xử của cá nhân và cả cộng đồng, sự tôn trọng những người xung quanh, các quy định chung của xã hội nơi công cộng. Văn hóa xếp hàng không đơn thuần là hành xử ngay ngắn, trật tự đúng vị trí mà còn cho thấy sự minh bạch, công bằng trong các hoạt động xã hội. Điều chỉnh hành vi xã hội không chỉ kêu gọi người dân có ý thức mà cần có công cụ đủ mạnh để điều chỉnh hành vi như công cụ pháp luật, chế tài xử lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!