Trước dịch COVID-19, những du khách cả trong và ngoài nước qua phố đi bộ Hà Nội sẽ thường xuyên được nghe tiếng trống rộn ràng, tiếng đàn, tiếng hát của những môn nghệ thuật truyền thống tại nhà bát giác (còn gọi là nhà Kèn, ở phía sau tượng đài vua Lý Thái Tổ bên bờ hồ Hoàn Kiếm.
Hàng tuần, đều đặn vào thứ 3 và thứ 5, những tiết mục đặc sắc đã được nhóm nghệ sỹ gồm những gương mặt nổi tiếng như NSND Hoàng Anh Tú, NSND Thế Dân, NSND Thanh Hương và một số anh em nghệ sỹ trẻ trong đó có Chu Cường của Đoàn Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam trình diễn, trong chương trình giới thiệu bảo tồn "Cây đàn bầu Việt Nam và nhạc cụ dân tộc truyền thống với các làn điệu dân ca" do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức.
Đứng trên sân khấu cùng các bậc cây đa, cây đề, tiếng hát của Chu Cường vẫn để lại dấu ấn. Anh thể hiện những bài chèo cổ như "Đào Liễu", "Duyên phận phải chiều, những làn điệu được đặt lời mới như "Quê hương ơn Bác" theo điệu đường trường thu không hay bài "Bến sông xưa" theo điệu sa lệch chênh… qua tiếng hát trầm ấm, mượt mà. Chương trình biểu diễn đã trở thành điểm đến quen thuộc, thu hút đông đảo khán giả đến xem.
Ngoài những buổi biểu diễn ở nhà Bát Giác, trước đại dịch, Chu Cường còn tham gia cùng các nghệ sỹ khác biểu diễn các chương trình biểu diễn khác do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức như chương trình biểu diễn tại khu đền Bà Kiệu hay đền Hương Tượng (64 Mã Mây)… Với lợi thế về giọng hát, anh cũng tham gia trình diễn cùng nhóm Xẩm Hà Thành, nhóm nghệ sỹ được đông đảo người nghe biết tới với nỗ lực hát xẩm sống, để xẩm nguyên bản nhất đến với khán giả.
Chu Cường kể, con đường đưa anh đến với Khoa Kịch hát dân tộc của trường Sân khấu điện ảnh là từ những chương trình biểu diễn văn nghệ từ trường phổ thông. Qua những lần dựng vở diễn ở trường, lại được xem những nghệ sỹ đi trước như NS ƯT Xuân Hinh hay Tự Long biểu diễn trên truyền hình, Chu Cường ấp ủ được thể hiện tiếng hát của mình qua những làn điệu truyền thông.
Quyết định thi vào trường Sân khấu Điện ảnh của anh bị cả nhà phản đối vì gia đình không ai theo nghệ thuật, cùng nỗi lo lắng về nghề "xướng ca vô loài" bấp bênh, không ổn định. Bất chấp sự can ngăn của bố mẹ, chàng trai sinh ở Hà Nội quyết tâm học điệu chèo và bài xẩm xoan để đi thi. Kết quả là Cường đỗ thủ khoa năm ấy.
Tốt nghiệp, Chu Cường bén duyên với Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam. Anh nói, chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền gắn bó với anh từ những ngày còn nhỏ là một trong những yếu tố khiến anh về đầu quân tại đây ngay khi có cơ hội. Qua nhiều năm, anh vẫn cần mẫn tham gia thu các làn điệu truyền thống, để qua đài phát thanh, tiếng hát của anh đến được với khán giả trên khắp mọi miền đất nước.
Những năm gần đây, với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, Cường tự lập cho mình một kênh riêng để đưa tiếng hát của mình tới với đông đảo người nghe hơn nữa. Anh chia sẻ, để chuẩn bị cho kênh của riêng mình, anh đã có sự chuẩn bị trong thời gian dài, chọn tiết mục, làm phòng thu, quay clip, thu nhạc… Khi trình làng, kênh của anh đã giới thiệu ngay tới khán giả nhiều phần trình diễn trọn vẹn. Những làn điệu chèo như Đào Liễu, Lời ru tha thiết, Nhớ đêm trăng kỷ, Về thăm quê mẹ… đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của khán giả.
"Tôi rất vui vì với những nền tảng công nghệ mới, tôi được tương tác trực tiếp với khán giả, điều mà trước đây việc trình diễn chèo truyền thống hay qua làn sóng phát thanh khó mà tiếp cận được. Những lời khen của khán giả là động lực cho tôi tiếp tục niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống’, Chu Cường chia sẻ.
Hiện tại, ngoài thời gian đi hát, diễn chèo, Chu Cường bén duyên với diễn hài cùng với nhiều gương mặt khác như Thái Sơn, Trung Ruồi…. Nam nghệ sĩ đang là diễn viên chính cho một chương trình hài tình huống với rất nhiều clip hài ngắn có tên Tạp Hóa Cười. Chương trình hài hước, dí dỏm và gần gũi với đời sống và trăm triệu lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội.
Với mảng công việc mới, anh cũng có cơ hội diễn cặp ăn ý với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Xuân Hinh, Xuân Nghĩa, Chiến Thắng, Quang Tèo…
"Dù rất thích các tiểu phẩm hài, vì thấy mình được học hỏi và trưởng thành rất nhiều từ đồng nghiệp và các đàn anh, nhưng đam mê của tôi vẫn là hát chèo, là nghệ thuật truyền thống. Tôi mong được đi bằng "cả hai chân", thỏa cả hai sở thích, với mong muốn ngày càng đến gần khán giả hơn nữa’, Chu Cường nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!