Kiệt tác này - Danae (hay còn gọi là Danae và cơn mưa vàng) - là một trong những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm mới ở Bảo tàng Apsley, nhà của Công tước xứ Wellington, nay do tổ chức Di sản Anh quản lý.
Đây là bức tranh về tình yêu và tiền bạc có thể nói là vô giá. Nhưng cho đến tận gần đây, bức tranh vẫn còn bị bỏ quên, không được ai đoái hoài, trong bộ sưu tập tranh của Wellington.
Cơn mưa vàng của thần Zeus
Câu chuyện về kiệt tác nghệ thuật gợi dục này bắt đầu với một vị Hồng y, một cô gái điếm và một họa sĩ. Vào thế kỷ 16, Titian, họa sĩ vĩ đại của thành Venice (Italy) dựng studio tranh của mình ở thủ đô Rome.
Ông ở đó để vẽ những bức tranh khỏa thân xa hoa cho Hồng y Alessandro Farnese, một trong những người giàu nhất ở Italy. Đặc biệt, Farnese không để công việc và vị trí cao trong Giáo hội Công giáo kiềm chế ham muốn tình dục của mình.
Bức tranh Danae của danh họa Titian.
Người mẫu cho bức tranh của Titian đã được xác định là Angela, nhân tình của Farnese, đồng thời là một kỹ nữ nổi tiếng thời đó. Điều này khiến bức tranh của Titian có một ẩn ý sâu xa, hơi đen tối về mại dâm.
Tranh vẽ Danae, mẹ của người anh hùng thần thoại Hy Lạp Perseus, đang đón nhận tình yêu từ nhân tình là thần Zeus, dưới dạng một cơn mưa vàng. Cơn mưa vàng là một trong vô vàn cách hóa thân của Zeus khi đi với các người tình.
Trong bức tranh, Danae nằm nghiêng trên chiếc giường xa hoa, phô bày cơ thể gợi cảm, tiền vàng rơi xuống người nàng từ trên cao. Đó là ngụ ý của Titian về cách Farnese trả tiền cho người tình chuyên nghiệp của mình.
Trong thời Trung cổ và Phục hưng, Danae được nhìn nhận như một biểu tượng của tiền bạc làm hỏng vẻ đẹp phụ nữ và đạo đức luân lý. Thơ ca cổ Hy Lạp viết về huyền thoại của Danae và Zeus như sau: “Vàng nới lỏng mọi dây cương, mở mọi ổ khóa, khiến phụ nữ với đôi mắt đầy khinh miệt của họ phải quỳ gối. Đàn ông cần gì phải cầu xin Nữ thần Aphrodite ban cho tình yêu nữa, một khi họ đã có vàng để đổi chác”.
Bức tranh được vẽ với ý định trở thành một tác phẩm khiêu dâm. Một báo cáo gửi đến Farnese khẳng định bức tranh này sẽ khiến một bức tranh khỏa thân nổi tiếng khác của Titian là Venus Of Urbino “trông giống như một nữ tu”.
Báu vật nghệ thuật từng bị coi là giả
Bức Danae khi mới vẽ xong rất nổi tiếng. Thậm chí thiên tài Michelangelo từng đích thân đến studio của Titian để chiêm ngưỡng nó.
Mặc dù, vậy, trên đường về, Michelangelo chế nhạo Titian là không biết vẽ, rằng những người yêu nghệ thuật khác đã trả tiền cho Titian để vẽ thêm nhiều phiên bản khác.
Phiên bản đầu tiên, bản dành cho Farnese, được lưu giữ ở Bảo tàng Museo di Capodimonte, ở Naples. Sau này, một bản khác được giữ tại Bảo tàng Prado ở Madrid (Tây Ban Nha) và một bản nữa ở Bảo tàng Kunsthistorisches của Vienna (Áo).
Có thể cho rằng, phiên bản quan trọng nhất trong tất cả đang ở Bảo tàng Apsley, London, chính là bản trong bộ sưu tập của Wellington.
Thành tựu lớn nhất của Titian là một chu kỳ những bức tranh ông đã sáng tạo ở Venice để gửi đến nhà vua Tây Ban Nha Philip II - một kiến trúc sư của hạm đội Tây Ban Nha.
Titian gọi chúng là “thơ phú”, đơn giản là những bức tranh đẹp nhất của thần thoại cổ điển. Nhóm tranh này bao gồm The Rape Of Europa tại Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston (Mỹ) cùng hai bức Diana và Actaeon, Diana và Callisto, được mua mang về Vương quốc Anh, đặt ở các phòng trưng bày quốc gia ở London và Edinburgh.
Ở đây chúng ta đang nói đến nghệ thuật đỉnh cao. Bức tranh thần thoại đầu tiên Titian gửi cho vua Philip II là một phiên bản mới của Danae. Bức này từng được xác định là phiên bản ở Bảo tàng Prado.
Nhưng nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Paul Joannides của Đại học Cambridge (Anh) đã nhận định đó phải là phiên bản ở Bảo tàng Apsley. Nhận định này từng bị coi là lập dị.
Sau đó, vào năm 2013, Bảo tàng Prado mượn bức tranh từ Apsley, làm sạch, phân tích và chứng minh nó thực sự là phiên bản gốc của Titian. Vậy là cuối cùng, một bức tranh trong suốt thế kỷ 20 từng bị coi là giả mạo, đã được trả lại vị trí là một trong những tác phẩm trọng điểm của Titian, một trong những báu vật nghệ thuật lớn nhất nước Anh.
Nhưng làm thế nào Công tước Welington, người chiến thắng trận Waterloo trước Napoleon, lại có được bức tranh này? Câu trả lời là từ chiến thắng vĩ đại của Wellington, khi đánh đuổi quân của Napoleon ra khỏi Tây Ban Nha.
Khi Joseph Bonaparte, người anh được Napoleon giao cai trị Tây Ban Nha, phải chạy trốn, ông đã mang theo rất nhiều bức tranh trong bộ sưu tập của Hoàng gia Tây Ban Nha.
Nhưng sau đó vì không thể vận chuyển số hành lý nghệ thuật nặng nề này, ông đã để lại cho người Anh. Dù bằng cách nào, Hoàng gia Tây Ban Nha cũng nợ Wellington về việc đã giữ gìn những bức tranh quý này.
Đó là lý do tại sao Apsley vẫn là một trong số rất lớn bảo tàng nghệ thuật vĩ đại của Anh. Bộ sưu tập của Wellington còn bao gồm bức The Water Seller Of Seville của Velázquez, và bây giờ là Danae, tác phẩm quyến rũ nhất trong sự nghiệp của Titian.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!