Với vị trí địa lý đặc biệt, nước ta có cảnh quan thiên nhiên đa dạng và di sản lịch sử văn hóa phong phú, trở thành một địa điểm quay phim đặc biệt hấp dẫn đối với cả các nhà làm phim trong nước và quốc tế. Để đánh giá mức độ hấp dẫn của các địa phương đối với đoàn làm phim, tháng 11/2023, Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam đã xây dựng bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim, được gọi tắt là PAI. Dựa trên 5 thành phần chính, bộ chỉ số đóng vai trò như một ngôi sao năm cánh dẫn lối các nhà làm phim đến với những địa điểm tiềm năng còn chưa được khám phá. Năm chỉ tiêu của bộ chỉ số này như hỗ trợ về tài chính, đánh giá sự sẵn có của các khoản tài trợ, trợ cấp và ưu đãi của địa phương đối với các nhà làm phim, hỗ trợ thông tin đo lường, nỗ lực quảng bá điểm đến cho các nhà làm phim và ngành công nghiệp điện ảnh…
Không chỉ là bộ chỉ số, PAI còn là một chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa dẫn đến một thế giới đầy tiềm năng điện ảnh. Bộ chỉ số này đóng vai trò là cầu nối giữa chính quyền địa phương và ngành công nghiệp điện ảnh. Sau một năm, số lượng địa phương tham gia áp dụng chỉ số này tăng từ 10 lên đến 37, với nhiều kết quả ấn tượng được ghi nhận.
Rõ ràng, việc địa phương được chọn là bối cảnh cho các bộ phim nổi tiếng thì các doanh nghiệp người dân sẽ hưởng lợi. Nhưng trên hết là những lợi ích vô giá về mặt truyền thông thương hiệu, giới thiệu điểm đến. Tuy nhiên, việc kết nối du lịch và điện ảnh còn cần nghiên cứu thêm từ các chuyên gia, để có được những chiến lược bài bản ngay từ đầu, cần có chiến lược tổng thể từ cơ chế chính sách của Trung ương đến địa phương.
Một tín hiệu đáng mừng là năm vừa qua Việt Nam cũng đang nỗ lực thu hút các nhà làm phim. Nhiều hoạt động được tổ chức nhằm kết nối hỗ trợ các nhà sản xuất phim nước ngoài đến làm phim tại Việt Nam, góp phần quảng bá truyền truyền thống, hình ảnh đất nước con người và bản sắc văn hóa Việt Nam thông qua phim ảnh, phát triển thương hiệu điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
Cơ chế chính sách thu hút các đoàn làm phim được thể hiện rõ nét trong Luật điện ảnh sửa đổi năm 2022. Thủ tục cấp phép cho các đoàn làm phim quốc tế đến Việt Nam đã được đơn giản hơn, thay vì kiểm duyệt toàn bộ kịch bản phim như trước đây thì bây giờ việc kiểm duyệt chỉ dừng lại ở kịch bản phần quay ở Việt Nam. Trong giai đoạn 2015 - 2020, đã có 179 kịch bản hợp tác liên doanh sản xuất cung cấp dịch vụ cho nhà làm phim nước ngoài., Con số này được kỳ vọng sẽ tăng lên nếu Việt Nam hình thành cơ chế hỗ trợ và chuẩn hóa từ đội ngũ nhân sự.
Hợp tác sản xuất phim và cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho nước ngoài là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa ước vọng đưa công nghiệp điện ảnh Việt Nam cất cánh. Để Việt Nam trở thành phim trường của thế giới thời gian tới, đòi hỏi những bước chuyển mình mạnh mẽ với chiến lược lâu dài và bền vững, như sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, ban, ngành, địa phương, sự năng động của doanh nghiệp ngành điện ảnh và người dân để tạo sự thu hút đối với các nhà làm phim trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!