"Bệnh háo danh": Khi bằng cấp được coi là cánh cửa vạn năng mở ra công danh sự nghiệp

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 09/01/2024 14:57 GMT+7

VTV.vn - Trong môi trường giáo dục, với đội ngũ trí thức, phẩm chất trung thực phải được bồi đắp mẫu mực để cả xã hội noi theo.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận diện, cảnh báo các biểu hiện của "bệnh thành tích" mà Người gọi là bệnh "hữu danh vô thực". Đó là làm việc không thiết thực, không tự chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm nên, làm cho có chuyện, làm lấy rồi, làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch, làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực cần kíp, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai...

Gần 80 năm đã trôi qua, những cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "bệnh thành tích", háo danh vẫn còn nguyên tính thời sự. Biểu hiện rõ nhất là những năm gần đây, vấn nạn chạy bằng cấp diễn ra tinh vi, phức tạp và đa dạng hơn. Mới đây nhất, dư luận không khỏi bàng hoàng khi một giảng viên đại học sử dụng bằng tiến sĩ giả nhưng đã qua mặt chục trường đại học trong nhiều năm, giảng dạy hàng nghìn sinh viên, thậm chí còn suýt được bổ nhiệm làm trưởng khoa tại một trường đại học.

Có lỗi trong cơ chế tuyển dụng, có lỗ hổng trong kiểm tra giám sát văn bằng, song sâu xa hơn câu chuyện này gióng lên hồi chuông cảnh báo về tâm lý háo danh, trọng bằng cấp của người tri thức và cả cơ sở giáo dục đại học, nơi vốn cần phải chuẩn mực nhất về trung thực, tự trọng và liêm chính. Háo danh từ trong cơ sở giáo dục sẽ để lại hậu quả khôn lường.

"Thông thường, những người có bằng cấp được trọng dụng, thậm chí có quyền lợi rất lớn. Đằng sau thành công trong học tập là thước đo về trình độ, dần dần nó sẽ lái xã hội đi theo hướng học hành để lấy bằng cấp. Việc chạy theo bằng cấp ấy làm người ta xa rời dần sự phấn đấu nâng cao trình độ thực chất. Thứ hai là xã hội tiếp nhận của rởm, không thực chất. Vấn đề thứ ba về tương lai sẽ ra sao, nó làm băng hoại thế hệ trẻ, mất niềm tin của xã hội vào đội ngũ tri thức và nhiều hệ lụy khác…", GS.TS Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ.

Được xã hội công nhận là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Nhưng khi tâm trí và mục tiêu chỉ cốt để trở thành một cái tên được nhắc đến, bất chấp mọi quy tắc để đạt được lợi ích nhất định, đó lại là nguyên nhân khiến đạo đức suy thoái. Háo danh sinh ra nhiều chứng bệnh khác như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra là kiêu ngạo, óc địa vị, tham lam, bệnh địa phương, tham vọng, tự tư tự lợi, kèn cựa, tham ô… Điều đáng buồn là thời gian qua không khó để tìm thấy những biểu hiện này ngay trong giới khoa học.

Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang thí điểm xây dựng kho dữ liệu về văn bằng chứng chỉ để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Khi có kho dữ liệu này, các trường có thể tra cứu chéo để xác minh văn bằng có phải thật không. Đó là giải pháp quản trị cần sớm được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, còn cần tinh thần liêm chính của các nhà khoa học, giáo dục bởi họ là người trực tiếp đào tạo ra con người.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 8 giá trị chủ yếu trong chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới, đó là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, kỷ cương và sáng tạo. Như vậy, trung thực là một trong những giá trị căn cốt quan trọng nhất. Hơn hết, trong môi trường giáo dục, với đội ngũ trí thức, phẩm chất này phải được bồi đắp mẫu mực để cả xã hội noi theo. Chừng nào bằng cấp còn được coi là cánh cửa vạn năng mở ra công danh sự nghiệp, thì thói háo danh vẫn còn đất sống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước