Bài toán thiếu nhân sự và công nghệ trong phục chế di sản

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 21/03/2024 14:41 GMT+7

VTV.vn - Hoạt động bảo vệ phục chế tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam đang thiếu cả nhân lực chất lượng và trang thiết bị kỹ thuật cao.

Việc bảo vệ và phục hồi các tác phẩm nghệ thuật giá trị hay các hiện vật lịch sử trước sự bào mòn của thời gian luôn là công việc vô cùng khó. Thế nhưng, đó là điều thiết yếu để lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật của dân tộc. Theo thời gian, các di sản của dân tộc, đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật, không tránh khỏi hư hao, hỏng hóc và việc phục chế là cả một quá trình tỉ mỉ, phức tạp. Có những trường hợp phục chế không đúng cách đã làm tình trạng hư hại của tác phẩm nặng nề hơn, như bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí được sáng tác trong 20 năm, bức tượng cổ khắc họa Thánh George ở Tây Ban Nha…

Nhiều giá trị sẽ bị tổn hại nếu như hiểu việc phục chế đơn giản là làm mới, hay vá lành các tác phẩm nghệ thuật. Quá trình phục chế các tác phẩm chuyên nghiệp phải tôn trọng từng lớp vật liệu gốc trên hiện vật lịch sử, tôn trọng phong cách nghệ thuật trên từng bức tranh, bức tượng. Tuy nhiên, tại Việt Nam hoạt động này đang thiếu cả nhân lực chất lượng và trang thiết bị kỹ thuật cao để đảm bảo tiêu chí làm sao phục chế gần nguyên gốc nhất.

Bên cạnh khó khăn thiếu thốn, một thực tế đáng ghi nhận tại các trung tâm lưu trữ quốc gia, kỹ thuật phục chế tài liệu đã được phục chế ở mức chuyên nghiệp cao. Các biện pháp hiện đại và truyền thống cùng được áp dụng, kết hợp giữa đôi bàn tay khéo léo của kỹ thuật viên và công nghệ, nhờ đó hàng vạn trang tài liệu cũ nát đã tìm lại được hình hài, tăng sức sống bền lâu cho tư liệu mang giá trị toàn cầu đang được lưu giữ.

Ngoài các trung tâm lưu trữ quốc gia, hiện cả nước chỉ có 2 trung tâm tu bổ phục chế thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Các trường mỹ thuật trong nước hiện chưa đào tạo chuyên ngành về phục chế. Hầu hết các cán bộ phục chế là họa sĩ, kỹ sư hóa học nên kiến thức về phục chế cơ bản do tự học, mày mò từ tài liệu nước ngoài. Trong khi khí hậu Việt Nam là nhiệt đới gió mùa, dẫn đến tốc độ hư hại của hiện vật nhanh, nhiều tác phẩm, hiện vật chưa được bảo vệ đúng cách.

"Tôi mong rằng trong dự thảo Luật di sản văn hóa sửa đổi sắp được Quốc hội thông qua sẽ có quy định, hướng dẫn trong việc phát huy nguồn lực xã hội hóa để thu hút nguồn kinh phí ngoài ngân sách cho bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa", ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ.

Phục chế thành công tranh sơn dầu “Mẹ con” Phục chế thành công tranh sơn dầu “Mẹ con”

VTV.vn - Bức tranh sơn dầu "Mẹ con" của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch bị hư hại do điều kiện khí hậu không ổn định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước