Cố nhạc sĩ Hồng Đăng và cố nhạc sĩ Văn Ký đều sở hữu một gia tài đồ sộ các tác phẩm gồm ca khúc, nhạc múa, ca kịch, nhạc phim…, trong đó có nhiều tác phẩm được đánh giá là kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Đặc biệt, nhiều ca khúc của họ toát lên niềm tin, niềm lạc quan tin tưởng, hướng về tương lai tươi sáng của đất nước. Vì vậy, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật 2022 là sự ghi nhận to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân cho những cống hiến không mệt mỏi của các nhạc sĩ cho nền âm nhạc nước nhà.
Tại lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2022, có 128 tác giả, đồng tác giả được trao, trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Còn với Giải thưởng Nhà nước, khác với một số lĩnh vực như múa, mảng âm nhạc không có tác giả trẻ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước. Một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để có cơ chế đặc thù xây dựng đội ngũ kế cận, bởi lớp nhạc sĩ gạo cội đang dần vắng bóng, việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ nhạc sĩ trẻ đã trở thành mối quan tâm lớn. Chỉ khi đội ngũ nhạc sĩ trẻ kế tục con đường âm nhạc dân tộc với kiến thức, tài năng và trách nhiệm với đất nước mới hy vọng có thêm những tác phẩm tầm vóc về nghệ thuật, giá trị về văn hóa tư tưởng và mang hơi thở của thời đại.
"Các tác phẩm trao giải sẽ có tác động sâu rộng đến đời sống văn học nghệ thuật nói riêng. Quan trọng hơn là nó có tác động đến đời sống xã hội, tạo ra cảm xúc và tính lan tỏa của các tác phẩm đến đời sống văn hóa nghệ thuật, đặc biệt với thẩm mỹ, nhận thức về cái đẹp của đông đảo tầng lớp nhân dân", bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ.
Trong bối cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế ngày càng sâu rộng, khi nhiều người sáng tác mải mê vào các ca khúc thị trường, dễ nghe dễ thuộc và dễ quên, vẫn có những nghệ sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc chính thống, kinh điển, bác học với những sáng tác hát lên tiếng nói non sông. Nhiều sáng tác mới trẻ trung, sôi nổi về Đảng, về quê hương đất nước lan tỏa trên mạng xã hội. Những bài ca đi cùng năm tháng cũng được họ thổi hồn đầy cảm hứng, mới mẻ, cháy lên tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc.
Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, âm nhạc cách mạng đã góp phần thổi bùng lòng yêu nước, nâng bước chân hàng triệu người lính nơi đạn bom khói lửa, khích lệ tinh thần cả hậu phương và tiền tuyến chiến đấu, chiến thắng. Trong thời bình và đổi mới hội nhập, nhiều tác phẩm âm nhạc Việt Nam thể hiện bản sắc khi ghi dấu với thế giới qua nhiều chương trình giao lưu văn hóa quốc tế hay cuộc thi tài năng. Ngoài những điều đã đạt được, âm nhạc Việt Nam vẫn cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trên nền tảng dân tộc, với hơi thở thời đại để thực sự tạo dấu ấn riêng, làm nên bản hòa ca non sông Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!