Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng nhưng ấm áp, chân tình với sự tham gia của rất nhiều thế hệ nhạc sĩ gạo cội của nền âm nhạc Việt Nam.
Tự nguyện - một ca khúc ra đời từ phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" cách đây nửa thế kỷ, từng thôi thúc hàng vạn thanh niên cả nước "Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu". Sâu lắng cả về ca từ lẫn giai điệu, những bài hát mang âm hưởng anh hùng của cả một thế hệ nhạc sĩ anh hùng. Ngày hôm nay, nhiều nghệ sĩ trong số đó đã bát thập cổ lai hy.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam đang hoạt động ở nhiệm kỳ thứ 9, ghi dấu ấn trong lịch sử với những đóng góp của hàng loạt nhạc sĩ tài hoa như: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu… Từ phong trào "Tiếng hát át tiếng bom", "Hát cho đồng bào tôi nghe", đến nhiệm kỳ "máu và hoa" - thời gian phát triển rực rỡ nhất của âm nhạc cách mạng, những sáng tác từ trái tim của các nhạc sĩ trong 60 năm đã luôn đồng hành cùng những dấu mốc lịch sử của dân tộc.
Với thành tựu đạt được, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng 1, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 21 nhạc sĩ tiêu biểu được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và hàng trăm nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước…
Nói đến dấu son của 60 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam, không thể không nói đến kho tàng hàng nghìn ca khúc cách mạng, những bản hùng ca ra đời gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc, đi sâu vào tâm thức nhiều thế hệ khán giả Việt Nam.
Đất nước đã thống nhất sau gần nửa thế kỷ, nhưng những ca khúc viết về thời kỳ hào hùng đó vẫn có sức sống mãnh liệt trong đời sống âm nhạc Việt Nam hôm nay, trở thành một giá trị văn hóa vượt thời gian.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!