Gần 1 triệu m3 vật chất nạo vét bao gồm bùn, vỏ sò, cát, đá, sỏi… phát sinh trong quá trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đã được Chính phủ chấp thuận dùng để san lấp mặt bằng theo quy hoạch của cảng tổng hợp Vĩnh Tân thay cho phương án nhận chìm. Tại sao lại có sự thay đổi phương án xử lý vật chất nạo vét của dự án này từ hình thức nhận chìm sang lấn biển? Các cơ quan chức năng sẽ đưa ra giải pháp tổng thể như thế nào để xử lý những vật chất nạo vét phát sinh trong quá trình xây dựng trung tâm điện lực Vĩnh Tân?
Những câu chuyện xung quanh vấn đề xử lý vật chất nạo vét ở khu vực nhiệt điện Vĩnh Tân hiện nay và trong tương lai cũng đã trở thành chủ đề chính của chương trình Vấn đề hôm nay ngày 16/8 với sự tham gia của ông Phạm Ngọc Sơn – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Trước câu hỏi vật chất nạo vét ở khu vực Vĩnh Tân sẽ có tác động như thế nào tới môi trường biển trong trường hợp nếu hàng triệu m3 vật chất nạo vét được nhận chìm trong khu vực mà cơ quan chức năng đã chấp thuận như phương án xử lý ban đầu, ông Phạm Ngọc Sơn nói: "Vật chất nạo vét ở Vĩnh Tân, trên cơ sở kết quả khoan khảo sát và phân tích, thì trong khối lượng vật chất này chứa 20% là bùn, sét và 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi".
"Và qua phân tích thì khối lượng vật chất này không chứa những yếu tố phóng xạ cũng như kim loại nặng vượt quá quy chuẩn Việt Nam, nên nếu nhận chìm thì sự tác động ở đây là sự lan truyền của bùn, tác động của bùn và khu vực nhận chìm đó sẽ bị hủy hoại sinh thái nếu như có những cái đó ở dưới".
Để nghe trọn vẹn cuộc trò chuyện của ông Phạm Ngọc Sơn tại Vấn đề hôm nay, bạn hãy xem trong video dưới đây:
Vấn đề hôm nay - 16/8/2017
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!