Lý giải về tình trạng lũ về muộn tại đồng bằng sông Cửu
Long, chuyên gia môi trường sinh thái Nguyễn Hữu Thiện cho biết: "Năm nay lũ có
về nhưng là lũ thấp. Nếu tình hình không có mưa thêm thì dường như mực nước những
ngày đầu tháng 10 vừa qua đã là đỉnh lũ. Đỉnh năm nay cao hơn năm ngoái khoảng
30cm. Điều này đồng nghĩa với việc có thể có hạn mặn vào đầu mùa khô năm tới
nhưng sẽ không gay gắt như năm nay".
Theo nhận định của các chuyên gia, gần 20 năm trở lại đây,
lũ ở đồng bằng sông Cửu Long có xu thế thấp dần do yếu tố tự nhiên như tình trạng
biến đổi khí hậu và đặc biệt là sự điều tiết của các hồ chứa ở thượng lưu.
Mùa
lũ ở đồng bằng sông Cửu Long thường được gọi là mùa nước nổi, nước lên từ từ vì
có 3 túi nước tự nhiên điều hòa cho khu vực này mà khi nước về sẽ được tạm trữ
vào đó. Đến mùa khô, khi những dòng chính yếu đi, nước từ 3 vùng tạm trữ này sẽ
bổ sung cho dòng chính đẩy mặn. 3 túi nước đó chính là hồ Tonlé Sap
(Campuchia), vùng đồng tháp Mười phía tả ngạn sông Tiền, vùng Tứ Giác Long
Xuyên hữu ngạn sông Hậu. Tuy nhiên, từ năm 2000 – 2012, rất nhiều vùng ngập
trung bình và vùng ngập sâu đã được các tỉnh đắp đê bao để kiểm soát lũ nhằm sản
xuất vụ thu đông, khiến khả năng trữ lũ của đồng bằng sông Cửu Long giảm chỉ
còn một nửa so với trước đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!