Ngày 13/12, Hội thảo về tương lai việc làm ở Việt Nam trước làn sóng công nghệ mới và tự động hóa đã diễn ra tại Hà Nội. Trong bối cảnh Việt Nam có gần 10 triệu lao động làm việc trong những lĩnh vực kỹ năng thấp như dệt may, da giày…, nhiều lao động trong số đó là nữ, câu chuyện về sự cạnh tranh việc làm giữa con người và máy móc đang cần được bàn bạc hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, nếu không nhận thức được vấn đề này, đời sống của những công nhân kỹ năng thấp sẽ rất bấp bênh.
Theo chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động quốc tê ILO - Gary Rynhart, vấn đề tự động hóa vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho lao động Việt Nam.
"Sự tác động của công nghệ đang hiện hữu rõ ràng trong các lĩnh vực" - ông Gary Rynhart nói -"Công nghệ vừa là thách thức và cơ hội. Chúng ta đứng trước những cơ hội lớn nếu chuẩn bị và nắm bắt được, nhưng ở một số ngành của Việt Nam như điện tử, da giày... sẽ phải đối mặt với cả thách thức".
"Lao động giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam nữa. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã có hoạt động để thích ứng với sự phát triển của công nghệ như tăng cường kỹ năng cho người lao động. Trong vài năm qua, Việt Nam đã tập trung rất nhiều vào đào tạo nghề. Việt Nam cũng có những nghiên cứu, phân tích về việc người lao động cần những kỹ năng gì trong khoảng 5 - 10 năm tới để đáp ứng nhu cầu của thị trường".
Ông Gary Rynhart cho rằng trong tương lai, ngành điện tử là ngành phát triển mạnh trên toàn cầu. Ngoài ra, nhiều loại công việc đòi hỏi kỹ năng phức tạp hơn cũng sẽ phát triển. "Rõ ràng, hiện nay, chúng ta còn chưa hình dung hết được về những loại công việc sẽ phát triển trong thời gian tới bởi sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sẽ khiến mọi thứ thay đổi rất lớn", ông Gary Rynhart nói thêm.