Thông tư liên tịch số 27 về khoán chi trong các dự án nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách Nhà nước được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ký kết có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2016.
Theo Thông tư này, Nhà nước chỉ đặt hàng ban đầu và tập trung vào nghiệm thu chất lượng kết quả cuối cùng. Cơ chế này sẽ áp dụng với những sản phẩm đã có tên cụ thể, có chỉ tiêu chất lượng rõ ràng, có số lượng quy mô sản phẩm tạo ra và địa chỉ ứng dụng và sản phẩm nghiên cứu khoa học chỉ được nghiệm thu khi đáp ứng đủ các tiêu chí này.
Trao đổi trong chương trình Vấn đề hôm nay, TS. Nguyễn Hồng Phương đến từ Viện Vật lý địa cầu đã đánh giá Thông tư 27 là cuộc cách mạng đối với các nhà nghiên cứu khoa học: “Với tư cách cá nhân, tôi rất hoan nghênh thông tư này trong việc làm đề tài nghiên cứu khoa học. Các chủ đề tài, cán bộ tham gia đề tài sẽ được tự do và có môi trường thông thoáng từ đầu đến cuối trong cơ chế mới”.
Nếu như cơ chế tài chính trước đây khiến các nhà khoa học phải mất rất nhiều thời gian cho việc làm hóa đơn, chứng từ thì nay họ chỉ cần nộp kết quả cuối cùng đáp ứng đủ các tiêu chí, yêu cầu của đề tài thì toàn bộ dự án sẽ được nghiệm thu. Như cách nói của Bộ trưởng Nguyễn Quân: "Từ nay, các nhà khoa học không còn phải nói dối nữa".
TS. Nguyễn Hồng Phương cũng chia sẻ nỗi khổ của các nhà khoa học trong cơ chế cũ: “Trước đây, mỗi nhà khoa học được khoán một số tiền và phải nghĩ ra số đề tài để đủ với số tiền được cấp. Như vậy, có những chuyên đề tốn nhiều công sức nhưng có những chuyên đề không làm vẫn phải nghĩ ra để trang trải tổng kinh phí. Đây cũng là điều khiến chúng tôi đau đầu và mất nhiều thời gian nhất. Bây giờ thì chúng tôi đã thoải mái tập trung làm việc mình yêu thích là làm khoa học”.
Hiện có khoảng 3.500 tỷ đồng đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa học mỗi năm trong khi chỉ có khoảng 10% các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Theo Thông tư 27, các nhà khoa học có thể phải hoàn trả từ 40 - 100% kinh phí nếu không cho ra sản phẩm như cam kết. Đây được coi là biện pháp mạnh để hạn chế tình trạng đề tài lãng phí bỏ ngăn kéo như thời gian qua.
Theo TS. Nguyễn Hồng Phương, các nhà khoa học sẽ phải có chuyên môn cao và chịu trách nhiệm với công việc. Những nhà khoa học có tâm luôn mong muốn nghiên cứu của mình được đưa vào thực tiễn, còn trong cơ chế “dĩ hòa vi quý”, những kiến nghị thiết thực nhất cũng nhiều khi bị "bỏ xó".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online