Cách đây 5 năm, mỗi năm Việt Nam có thêm 1 triệu người lao động. Tuy nhiên, hiện nay nước ta chỉ có 300.000 người lao động mỗi năm. Tình trạng thiếu lao động đang diễn ra với các doanh nghiệp trên cả nước, nhất là với những nhà máy dệt may, giày, điện tử, thủy sản…. Việc thiếu lao động không chỉ là mùa vụ mà đã diễn ra quanh năm.
Theo ông Phạm Minh Huân - chuyên gia lao động, vấn đề thiếu lao động là chủ đề nóng, là thách thức với nhiều doanh nghiệp.
"Tình trạng thiếu lao động báo hiệu giữa cung và cầu có sự bất cập, không phù hợp. Câu chuyện này đặt ra 3 vấn đề. Đầu tiên là chuyển dịch cơ cấu sản xuất và cơ cấu lao động chưa đồng bộ. Thứ hai là chất lượng lao động có vấn đề, có nhóm lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Thứ ba là doanh nghiệp đang gặp thách thức tuyển dụng bổ sung lao động, đó là những người đã dịch chuyển do tính tự do lựa chọn việc làm của người lao động. Nhiều doanh nghiệp mới thành lập hoặc doanh nghiệp nhận đơn hàng mới và gặp áp lực về lao động".
"Năm nay khác hơn mọi năm. Trong các năm trước, vấn đề thiếu lao động xảy ra ở một thời điểm nào đó, tại một số vùng nhưng đến năm nay, việc này đang rải khắp chiều dài đất nước, đặc biệt ở khu tập trung khu công nghiệp. Nó còn trải dài trong cả năm".
"Về phía người lao động, đó là quyền lựa chọn tự do việc làm. Có lợi ích tốt hơn, họ sẽ lựa chọn. Còn doanh nghiệp sẽ phải tăng thêm chi phí", ông Phạm Minh Huân phân tích.
Ông Phạm Minh Huân cho rằng vấn đề thiếu lao động sẽ còn kéo dài trong một vài năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!