Quốc hội giám sát dự án BOT giao thông: Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ cùng vào cuộc

-Thứ tư, ngày 04/01/2017 06:46 GMT+7

VTV.vn - Để đảm bảo quá trình giám sát dự án BOT giao thông, Quốc hội sẽ gửi yêu cầu báo cáo tới các đơn vị có công trình BOT trên 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Ngày 3/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư, khai thác các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông. Minh bạch là vấn đề của giao thông trong thời gian dài vừa qua. Vì vậy, việc Quốc hội giám sát trong lĩnh vực này là động thái đáp ứng sự quan tâm của cả xã hội.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các dự án theo hình thức BOT không phải mới tại Việt Nam, nhưng trong thời gian 4 năm trở lại đây, loại hình này đã thể hiện một số bất cập.

"Hình thức BOT không mới đối với Việt Nam nhưng không triển khai rộng rãi như trong thời gian 2011 - 2015. Ở thập niên 90, chúng ta đã có một dự án BOT là đường Trường Sơn ở TP.HCM đi sân bay Tân Sơn Nhất. Sau 10 năm tiến hành thu phí, các nhà đầu tư đã chuyển giao cho Nhà nước một con đường với bộ mặt như hiện nay. Chúng ta cũng có trạm thu phí trên quốc lộ 51 tại điểm thu phí ở cầu Cỏ May vào những năm 1996 - 1997. Chúng ta mới chỉ có trạm thu phí BOT ở dạng đơn lẻ. Nhưng đặc biệt sau Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 13 của Hội nghị Trung ương năm 2012 về phát triển cơ sở hạ tầng, chúng ta đã có bước phát triển đột phá về huy động nguồn vốn của xã hội xây dựng công trình BOT".

"4 năm gần đây, khi dự án BOT đi vào xây dựng và bắt đầu thu phí, chúng ta đã phát hiện ra những bất cập trong quá trình triển khai, đó là việc không để người dân có sự lựa chọn với khả năng đóng góp, thu nhập của họ, thêm nữa còn là vấn đề về vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong các dự án BOT...", ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định.

"Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV đã có phần thảo luận chuyên đề về kinh tế xã hội và kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020, trong đó các đại biểu Quốc hội đã đưa ra một số bất cập, tồn tại trong những dự án BOT. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu, xin ý kiến của đại biểu Quốc hội để xem mức độ giám sát các vấn đề nóng của đất nước như thế nào".

"Tại cuộc họp vào tháng 12/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ký quyết định thành lập đoàn giám sát đề về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng, khai thác và chuyển giao hay gọi là dự án BOT. Theo mục đích, yêu cầu đặt ra, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát ngay từ khâu lập quy hoạch toàn bộ mạng lưới giao thông để từ đó chọn ra dự án BOT phục vụ nâng cao chất lượng công trình hạ tầng giao thông. Ngoài ra, chúng ta phải thực hiện giám sát việc triển khai, tổ chức nghị quyết, quá trình thực hiện BOT như thế nào…".

"Theo chương trình được phê duyệt, trong tháng 1/2017, đoàn giám sát sẽ có phiên họp đầu tiên để thông qua chương trình cụ thể, gửi các yêu cầu cho tất cả đơn vị trên 63 tỉnh thành có công trình BOT, đặc biệt Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên môi trường, hai cơ quan Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ phải có báo cáo cho đoàn giám sát. Để từ đó, chúng ta sẽ có đánh giá ngay từ khâu triển khai việc lập quy hoạch, xác định quy hoạch, đấu thầu dự án BOT" - ông Nguyễn Đức Kiên nói thêm.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Kiên cũng cho biết, quá trình giám sát của Quốc hội đối với các dự án BOT giao thông sẽ được tiến hành trong 8 tháng.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước